Tóm tắt: Phong trào Nhà Ánh sáng của Tự lực văn đoàn vào những năm 1930-1940 đã tạo ra được một chấn động trong xã hội với mục đích cải thiện điều kiện môi trường ở của người Việt Nam. Các tác giả của Nhà Ánh sáng đã kết hợp linh hoạt các yếu tố kiến trúc hiện đại và các giá trị của kiến trúc bản địa, tạo thành một trong những nổi bật của kiến trúc Việt Nam nửa đầu thế kỉ 20. Nghiên cứu này nhìn nhận và đánh giá các giá trị, các yếu tố và các bài học rút ra về kiến trúc quy hoạch tạo nên sự thành công của phong trào Nhà Ánh sáng thông qua công trình trại Ánh sáng ở Phúc Xá.
Từ khóa: Kiến trúc Việt Nam; kiến trúc bản địa; phong trào Nhà Ánh sáng.
Summary: The Illuminating House movement of Self-Strengthen Independent Group in the years 1930-1940 really created a great impact on the social, with the purpose to improve the living environmental condition of Vietnamese. The authors of Illumination House masterfully joined the elements of modern architecture and the values of local architecture, by successfully making one of the outstanding achievements of the Vietnamese architecture in first half of the 20th century. This study evaluate the values, elements and lecture from the architecture and planning aspect which build up the success of the Illumination House mouvement through the Illuminating camp in Phuc Xa.
Keywords: Vietnamese architecture; local architecture; the Illuminating House.
- Mục đích và đối tượng nghiên cứu
Với mục tiêu Xã hội – Nhân đạo – Cải cách của Tự Lực Văn Đoàn khởi xướng [1], phong trào Nhà Ánh sáng trở thành một phong trào cải cách xã hội có tác động rộng khắp ở Việt Nam giai đoạn từ năm 1937-1942. Vượt qua khỏi giới hạn thuần túy của một phong trào xây dựng nhà ở cho người nghèo, phong trào Nhà Ánh sáng còn mong muốn tạo ra một động lực lớn hơn, thúc đẩy cho việc cải cách xã hội, con người Việt Nam [2]. Phong trào này được một số nhà nghiên cứu xem như hạt giống của xã hội công dân [3] hoặc một hình thức nhân đạo xã hội chủ nghĩa [4] đầu tiên ở Việt Nam. Cùng với sự tham gia, dấn thân của tầng lớp trí thức Tây học thời bấy giờ, đặc biệt là vai trò quan trọng của các kiến trúc sư Việt Nam thế hệ đầu tiên như Hoàng Như Tiếp, Võ Đức Diên, Nguyễn Ngọc Chân, Nguyễn Cao Luyện và Nguyễn Gia Đức, phong trào nhà Ánh sáng tạo nên một thành công vang dội trong xã hội thời đó.
Tuy nhiên, phong trào nhà Ánh sáng thường chỉ được nhìn nhận như một phong trào cải cách xã hội và tính nhân văn của dự án mà chưa được đánh giá sâu về các giá trị kiến trúc. Các mô tả về kiến trúc của phong trào này trong các tài liệu về lịch sử kiến trúc Việt Nam thường bỏ qua hoặc đề cập đơn giản, mà chưa có được những phân tích cụ thể về giá trị kiến trúc và quy hoạch. Ngay cả cuốn sách của Hội Kiến trúc sư Việt Nam [5] cũng đề cập rất vắn tắt đến phong trào này.
Trong bối cảnh này, cần thiết có một nghiên cứu nhìn nhận giá trị của phong trào Nhà Ánh sáng dưới góc độ kiến trúc, lí giải nguồn gốc cho sự thành công của giải pháp kiến trúc quy hoạch. Cụ thể hơn, đó là sự kết hợp tư duy kiến trúc hiện đại đầu thế kỉ 20 và phong cách kiến trúc truyền thống và lối sống của người Việt Nam giai đoạn đó. Mục đích của nghiên cứu này là làm rõ những thành tựu nổi bật về kiến trúc của phong trào này, đối chiếu với xu hướng phát triển của các dạng công trình hoặc xu hướng thiết kế ở châu Âu cùng giai đoạn.
2. Bối cảnh xã hội và phong trào Ánh sáng
Ngày 13 tháng 12 năm 1936, Hội Bài trừ nhà Hang tối hay hội Ánh sáng ra đời với một mục đích tốt đẹp, đưa sự sáng sủa đẹp đẽ trong việc ăn ở đến với những người dân nghèo [1]. Đối tượng hưởng lợi là những người dân nghèo nông thôn, những người công nhân lao động thành thị, các nạn dân vùng lũ. Đối chọi với những căn nhà Ánh sáng mới là những căn nhà Hang tối mà lụp xụp ẩm thấp, mất vệ sinh trong môi trường ở, lộn xộn trong phong cách sống [6].
Bên cạnh đó, cuộc sống tại thành phố lớn như Hà Nội cũng không hơn gì. Theo nghiên cứu năm 1938 [7], có nhà tại khu phố cổ Hà nội đến 100 người trên diện tích 450m2, điều kiện cư trú bẩn thỉu mất vệ sinh cả ở khu vực của người Việt lẫn các phố người Hoa. Mật độ cư trú tại khu phố cổ có đến 1000-2000 người/ha, thậm chí, ở phố Mã Mây có một căn nhà 2 tầng nhưng có đến 68 người ở. Trong khi đó, chính quyền thành phố năm 1930 chỉ cho phép cư trú tối đa là 2 người/30 m2 [8]. Giải pháp duy nhất, theo nghiên cứu đề xuất, là chính quyền thành phố cần xây dựng dựng những nhà giá rẻ, và hợp vệ sinh. Chính quyền thành phố đã phát động chương trình Nhà ở xã hội vào vào cuối năm 1930. Với động lực và tinh thần nhân văn đó, phong trào Nhà Ánh sáng phát triển sôi nổi mạnh tại các thành phố từ Bắc vào Nam với sự hưởng ứng nhiệt tình của mọi người. Ngoài ra, thợ thuyền ở Vinh còn đề xuất xây dựng ở mỗi tỉnh một cụm công trình [9]. Giáo viên từ tận Quy Nhơn cũng viết thư đóng góp ý kiến và tài chính. Mới đầu, một loạt các địa điểm dự kiến xây nhà được lựa. Đó là ở Lương Tài, Bắc Ninh, một nhà mẫu tại Kiến An, Hải Phòng, một thôn tại Bất Bạt, Sơn Tây [9, 10]
Không chỉ có được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân, phong trào Nhà Ánh sáng còn nhận được được sự ủng hộ của giới tư bản và chính quyền thuộc địa lúc bầy giờ. Chủ hãng bán lẻ lớn nhất Đông Dương lúc đó là Grands Magasins Réunis đặt thiết kế một dãy nhà cho công nhân và ủng hộ tài chính [11]. Tổng thanh tra y tế Đông dương là bác sỹ Pierre Hermant tuyên bố sẽ giúp đỡ hết mình vì lợi ích của phong trào Ánh sáng mang lại. Toàn quyền Đông dương là Jules Brevies nhận đỡ đầu làm chủ tịch danh dự hội [12]. Các mẫu nhà đầu tiên được 2 KTS trẻ vừa tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông dương là Hoàng Như Tiếp và Nguyễn Cao Luyện thiết kế. Các mẫu nhà này được trưng bày và triển lãm rộng rãi tại Hà Nội, Hải Phòng, thu hút nhiều lượt người đến xem, với các ưu điểm sau [13].
- Rẻ tiền, phù hợp với thu nhập của người dân.
- Có tính đến đặc điểm cá nhân của người sử dụng. Trong lời kêu gọi đầu tiên của chương trình hành động hội Ánh sáng cũng nêu rất rõ về tính đa dạng của kiểu kiến trúc riêng, kiểu cho thợ thuyền, kiểu làng mới, các kiểu mẫu khác nhau.
- Đưa cây xanh, vườn vào công trình.
- Chống được thiên tai lũ lụt.
- Phòng chống được hỏa hoạn.
- Quy hoạch tốt, tạo môi trường tốt về tâm lí và lối sống cho người sử dụng.
Sau khi lực chọn giữa các khu vực Bạch Mai, Voi Phục, Ngọc Hà, khu nhà Ánh sáng đầu tiên được động thổ vào 6h chiều ngày 12/5/1938 tại bãi Phúc Xá (quartier du Banc de Sable). Khu nhà được mang tên bà Jules Brevie, vợ toàn quyền Đông dương, gồm 6 lô đất, tổng số 34 nhà [14]. Những cư dân đầu tiên chuyển đến ở vào ngày 2/10/1938 đó thông qua việc bốc thăm chọn người thuê nhà. Giá tiền thuê nhà rất rẻ, chỉ 1.5 đồng-2 đồng/tháng trong khi thu nhập của người lao động phổ thông lúc đó là 15 đồng/tháng [8].
Mặc dù với một bước khởi đầu thuận lợi, nhưng phong trào Ánh sáng dần dần tàn lụi do nhiều nguyên nhân. Trước hết đó sự bất đồng với chính quyền thuộc địa về các yếu tố chính trị, sự thiếu hụt tài chính để duy trì hoạt động, không tìm được đất cho các dự án tiếp theo và cuối cùng là cuộc chiến tranh thế giới lần thứ II xảy ra đã kết thúc sự tồn tại của phong trào [8].
3. Kiến trúc trại Ánh sáng ở bãi Phúc Xá
Theo các tài liệu còn lại, có một cuộc triển lãm về phương án kiến trúc các mẫu nhà Ánh sáng. It nhất đã có nhà mẫu triển lãm tại hội chợ Kiến An, Hải Phòng và chính ngôi nhà của Thạch Lam ở Cẩm Giàng, Hưng Yên cũng được xây dựng theo kiểu nhà Ánh sáng. Rất tiếc, tất cả các ngôi nhà trên đều không còn nữa và còn rất ít các tài liệu ghi chép về các đặc điểm kĩ thuật của các công trình này. Theo tìm hiểu của tác giả, hiện nay chỉ còn lại các bản vẽ về trại Phúc Xá của KTS Hoàng Như Tiếp được đăng tải trên báo Ngày nay (Hình 1 và 7).
Các công trình được thiết kế đơn giản gồm các dãy nhà mái dốc, lợp lá chạy song song với nhau, được bao quanh bằng các đường giao thông. Mỗi lô đất có diện tích 30x40m gồm 8 gia đình cư trú trong 4 nhà ghép đôi có kích thước 12mx4.8m/hộ, mật độ xây dựng khoảng 22%. Mỗi gia đình từ 5-7 người sử dụng, tương đương khoảng 25m2/người. Tất cả công trình phụ được tập trung vào 1 nhà có kích thước 3.2mx14m nằm giữa khu đất (Hình 2).


3.1 Quy hoạch tổng mặt bằng
Trại Ánh sáng là cụm công trình đầu tiên của các KTS Hoàng Như Tiếp và Nguyễn Cao Luyện thiết kế từ quy hoạch tổng mặt bằng đến kiến trúc công trình. Trước đó, các ông chỉ thiết kế những công trình đơn lẻ nằm trong khu phố. Vì vậy, cum công trình ở Phúc Xá thể hiện được trọn vẹn các ý tưởng về quy hoạch và kiến trúc của các tác giả.
Dựa trên bản vẽ trại Ánh sáng [15], mặt chính các nhà ở tiếp cận ngay với đường giao thông. Các dãy nhà đều quay hướng Đông Nam để đón gió, vốn là một kinh nghiệm truyền thống của kiến trúc dân gian vùng Bắc Bộ. Công trình đặt song song theo cấu trúc một hình học đơn giản, đối xứng với một nhà ở trung tâm. Đây cũng là điểm chung trong quy hoạch tổng mặt bằng của tất cả các phương án được triển lãm trước đó. Có thể thấy rõ bố cục từng nhà ở Phúc Xá chính là biến thể nhà ở dạng chữ Nhị từ nhà dân gian cổ truyền Bắc bộ (Hình 3). Mặt khác, bố cục tổng mặt bằng trại Phúc Xá này khác biệt so với kiến trúc Làng dân gian truyền thống. Nếu làng Bắc bộ truyền thống thường có chuỗi điểm rồi tập hợp thành tuyến hoặc thành cụm thì ở trại Phúc Xá, các công trình được phân chia theo dạng lưới hình học. Nếu làng Bắc bộ dựa trên cấu trúc làng nông nghiệp, thì trại Phúc Xá thể hiện rõ hơn tính công nghiệp với bố cục lặp lại hình học của các cụm nhà tương đồng trên từng lô đất và đối tượng cư trú là dân cư lao động thành thị. Với mật độ xây dựng thấp và diện tích lớn của vườn cây bao quanh nhà, khu trại Phúc Xá mang hình thái của một khu nhà biệt thự ghép hộ của thành phố hơn là làng truyền thống.
![Hình 3. Các dạng bố cục nhà cổ truyền vùng Đồng bằng Bắc Bộ [16]](https://ltlskt.files.wordpress.com/2015/11/35.jpg?w=840)
Các nhà được xây dựng bằng các vật liệu truyền thống và rẻ tiền như gỗ, tre, bương, mái lá. Không chỉ xây dựng phần công trình, hệ thống cấp nước chung, giặt chung và các công trình công cộng như phòng đọc sách, nhà trẻ cũng được quy hoạch. Hội Ánh sáng còn muốn xây dựng hẳn một cụm dân cư hoặc đơn vị ở với đầy đủ hệ thống hạ tầng phúc lợi xã hội như thư viện, nhà hộ sinh, sân vận động. Ý tưởng này được phác họa trong truyện ký Đi thăm Trại Ánh sáng của Hoàng Đạo [17]. Với những hệ thống hạ tầng kĩ thuật này, đây thực sự là khu nhà Tập thể đầu tiên được triển khai xây dựng ở Hà Nội.
Tinh thần cải cách xã hội, cải thiện đời sống, tính cộng đồng của người dân lao động này mang âm hưởng của chủ nghĩa xã hội không tưởng của Saint Simon và Fourier cuối thế kỉ XIX. Vì vậy, cũng không phải ngẫu nhiên khi quy hoạch của trại Ánh sáng chịu ảnh hưởng của quan điểm thành phố Vườn của Ebenezer Howard (1898) [18] với những ngôi nhà mái dốc đứng độc lập trong vườn cây, mọi cư dân đều được tiếp cận với không khí, nước sạch và cây xanh để giảm thiểu mật độ dân cư. Thậm chí, giải pháp phân lô và bố cục nhà ghép hộ còn rất nhiều tương đồng với Tony Garnier (Hình 5) ở đề xuất Thành phố công nghiệp năm 1917 [19]. Tony Garnier các lô có kích thước 15mx15m, bao gồm các nhà riêng cho đốc công và nhà ghép hộ cho 2 gia đình công nhân, Hoàng Như Tiếp chia lô 15x20m cho 2 gia đình. Với thiết kế của mình, Tony Garnier đã đề xuất cả mô hình sống mới, mang tính xã hội cao hơn với sự xuất hiện của các công trình phúc lợi xã hội trong khu ở [19]. Đây cũng là điểm tương đồng với thiết kế quy hoạch tổng mặt của trại Phúc Xá. Bên cạnh đó, bố cục kiểu song song đã phổ biến trong quy hoạch khu ở châu Âu giai đoạn 1920-1930. Năm 1928, KTS Walter Gropius thiết kế khu Dammerstock, Đức (Hình 4), hoàn toàn sử dụng các dãy nhà song song. Thiết kế này hấp dẫn đến mức Ernest May mô phỏng lại trong ở thành phố Frankfurt (Đức) và Magnitogorsk (Nga). Mục đích chính là đảm bảo vệ sinh đồng đều cho mọi căn hộ, đảm bảo hướng nhà tốt nhất cho các phòng [20].
Trong bối cảnh trên, có thể thấy rõ tầm nhìn hiện đại về kiến trúc và quy hoạch của những người thiết kế trại Ánh sáng Phúc Xá, thể hiện rõ mục tiêu của chương trình: Vệ sinh, sạch sẽ và rẻ tiền phục vụ cho người lao động.
3.2 Giải pháp kiến trúc.
Trong thiết kế căn hộ ở trại Phúc Xá, KTS Hoàng Như Tiếp từ bỏ dạng mặt bằng đối xứng, phân gian ở nhà dân gian truyền thống chuyển sang dạng bố cục phi đối xứng (Hình 6). Lối vào chính dẫn vào khoảng hiên nhỏ ở góc nhà, đóng vai trò như nút giao thông, tiếp cận trực tiếp vào 2 phòng riêng biệt. Cách tổ chức giao thông này khác hẳn ở nhà truyền thống đi vào gian chính giữa và qua hàng hiên trung tâm. Nhà truyền thống, thường không sử dụng giải pháp giao thông tiếp cận từ 2 mặt. Tuy nhiên, nhà Ánh sáng đã cho phép người sử dụng tiếp cận từ 2 hướng với 1 cửa sau liên kết với gian nhà phụ. Giải pháp tổ chức mặt bằng phi đối xứng này được sử dụng rất nhiều ở các biệt thư hiện đại của người Pháp xây dựng ở khu phố Tây Hà Nội giai đoạn đó. Cách tổ chức không gian này vẫn tôn trọng lối sống của người dân bản địa với hàng hiên trong nhà truyền thống như không gian chuyển tiếp giữa trong nhà và ngoài nhà. Khi ghép 2 hộ lại, chúng ta vẫn có được mặt đứng dạng đối xứng với 2 khoảng hiên ở hai đầu hồi nhà. Một giải pháp tương tự được văn phòng Luyện-Tiếp-Đức sử dụng ở dự án Nhà ở giá rẻ gần Văn miếu năm 1942. Trong khi đó chương trình Nhà ở giá rẻ được thực hiện ở khu vực Bùi Thị Xuân-Triệu Việt Vương do chính quyền thành phố Hà Nội tài trợ lại chọn cách phân chia không gian tương tự với nhà ống khu phố cổ Hà Nội.
Toàn bộ công trình được xây dựng bằng những vật liệu và phương pháp xây dựng truyền thống như tranh tre nứa lá, với một số cải tiến nhỏ. Nền nhà chính và nhà phụ được đặt lên trên 1 bệ xây gạch, cao khoảng 1m để tránh lũ lụt, thay vì 40-60 cm như ở nhà truyền thống. Tuy nhiên giải pháp tôn nền này mang tính tượng trưng, vì khu vực bãi Phúc Xá rất hay bị lụt. Phía dưới xây tường, phía trên đắp đất dốc, nền nhà cao hơn sẽ giúp tránh ẩm từ mặt sân tốt hơn. Nhà phụ được đặt tách biệt để giảm thiểu tác động vệ sinh đến nhà chính, đồng thời nhà phụ của từng gia đình được ghép lại thành cụm. Đây cũng là điểm khác biệt so với kiến trúc truyền thống khi nhà phụ của từng hộ gia đình được đặt độc lập với nhau thay vì ghép lại thành. Dường các tác giả muốn đưa ra một giải pháp hiện thực tổng hòa được các khía cạnh kỹ thuật và văn hóa của người Việt, hơn là hình thành một giải pháp thuần túy hiện đại [8].
Trong kiến trúc nhà truyền thống đồng bằng Bắc Bộ, nhà phụ thường đặt bao quanh một khoảng sân và có nền thấp hơn. Trong trường hợp trại Phúc Xá, cả nền nhà chính và nhà phụ đều được tôn cao bằng nhau và đặt song song với nhau. Nhà tắm được đặt vào giữa bếp và nhà vệ sinh nhằm đảm bảo vệ sinh cho nhà bếp. Mặt khác, giải pháp tách nhà chính ra khỏi nhà phụ còn giúp phòng chống cháy lan tốt hơn, do công trình được xây dựng bằng những vật liệu truyền thống như tre nứa lá vốn là những vật liệu dễ cháy. Rất tiếc, hiện nay không còn hình ảnh hoặc bản vẽ nào thể hiện lại kiến trúc bên ngoài của công trình khu Phúc Xá. Dựa vào bản phối cảnh in trên tờ Ngày nay số 72 của một trong số các phương án đề xuất, mặt đứng xử lí đơn giản rõ ràng với các cấu trúc hình học vuông vắn và các phân vị đứng bằng tre. Thủ pháp này tương tự ở hội trường đại hội đảng lần 2 tại Chiêm hóa do KTS Hoàng Như Tiếp thiết kế sau này (Hình 8 và 9).
3.3 Vệ sinh môi trường
Mục đích cải thiện vệ sinh môi trường được đặt ra rất rõ ràng, là điểm khởi đầu của phong trào Ánh sáng. Ngay trong lời kêu gọi đầu tiên của mình, hội Ánh sáng đã mô tả một cách cường điệu vấn đề nhà ở Việt Nam lúc đó là những căn nhà Hang tối với những thứ tối tăm, ẩm thấp, chật chội cùng môi trường ở mất vệ sinh [13]. Điều kiện vệ sinh môi trường ở của người Việt Nam lúc đó theo quan điểm của những người sáng lập phong trào là hoàn toàn không chấp nhận được. Đây cũng là một quan điểm phổ biến ở xứ thuộc địa thời điểm đó. Đầu thế kỉ XX, để phục vụ cho công cuộc bình đình thuộc địa, các nhà dịch tễ Pháp từng cho rằng nhà cửa hợp vệ sinh sẽ giúp đẩy lùi bệnh tật ở các nước nhiệt đới như Đông Dương. Họ chú trọng tìm hiểu kiến trúc dưới lăng kính của dịch tễ học, hướng sự chú ý đế ánh sáng tự nhiên, tiện nghi và thông gió. Quan điểm này rất gần với quan điểm của các kiến trúc sư hiện đại. Một trong những hướng dẫn về thiết kế nhà ở thuộc địa là đưa hệ thống các phòng vệ sinh cá nhân, tắm phải đặt xa, bên ngoài nhà chính. Mặt khác, các kinh nghiệm xử lí vệ sinh ở các thuộc địa nhiệt đới của Anh, Tây Ban Nha, Hà Lan, vốn là những nước có kinh nghiệm trong việc khai thác thuộc địa, cũng được xem như hình mẫu để học hỏi và so sánh [24]. Không phải ngẫu nhiên mà tư tưởng chủ đạo của phong trào nhà Ánh sáng là sự phong quang, thoáng đãng trong thiết kế và trật tự trong bố cục chịu ảnh hưởng mạnh từ quan điểm này. Ứng dụng rõ nhất ở khu Phúc Xá dạng khu vệ sinh tự hoại tách hẳn khỏi nhà chính và được mô phỏng theo kiểu thuộc địa Indonesia của Hà lan. Theo quan điểm của người thiết kế nhà Ánh sáng thì khu phụ trong nhà ở cũng quan trọng như chỗ ăn chỗ ngủ vì khu phụ là nơi có ảnh hưởng lớn đến vệ sinh chung, ảnh hưởng đến cảnh quan khu vực [25]. Từ đó nhà vệ sinh tự hoại giúp cải thiệu triệt để điều kiện vệ sinh, cải thiện môi trường sống, loại bỏ những yếu tố ẩm thấp, tốt tăm của kiến trúc đương thời. Khả năng thông gió cho các công trình của trại Phúc Xá cũng được cải thiện nhiều. Mật độ xây dựng thấp, nền nhà cao cùng với hướng nhà tốt đảm bảm cho việc thông gió của công trình.
4. Kết luận
Thành công của chương trình Nhà Ánh sáng là sự kết hợp của rất nhiều quan điểm hợp lý và thực dụng của người chủ trương phong trào, từ chính sách đến giải pháp ứng dụng. Trước hết đó là sự đáp ứng được nhu cầu cấp thiết trong xã hội về nhà ở của người dân lao động, nên phong trào nhận được sự ủng hộ của người dân trong cả nước, của chính quyền cũng như các tầng lớp tư sản. Chính điều này đã tạo nên tiếng vang lớn, tạo ra động lực phát triển ban đầu của phong trào. Xuất phát từ mong muốn tổ chức môi trường ở sạch sẽ, phù hợp với cuộc sống và đảm bảo sức khỏe của người sử dụng, thiết kế nhà Ánh sáng đã thành công trong việc tạo dựng môi trường vệ sinh và thân thiện với người ở. Điều này đạt được nhờ tầm nhìn quy hoạch tốt, phù hợp điều kiện khí hậu tự nhiên, có tính đến giải pháp đồng bộ về cơ sở hạ tầng kĩ thuật phục vụ khu ở.
Điểm hạn chế của phong trào nhà Ánh sáng đó là khía cạnh kinh tế. Tuy tạo ra được những căn nhà có giá thuê rẻ, phù hợp với khả năng chi trả của người lao động, nhưng phong trào không thực sự đưa ra được một giải pháp mang tính bền vững về đầu tư khi nguồn thu chính chỉ dựa vào những tấm lòng hảo tâm của xã hội. Đây cũng là một yếu tố dẫn đến sự tàn lụi của phong trào.
Nhìn nhận và đánh giá những giá trị về kiến trúc của phong trào Nhà Ánh sáng cho phép chúng ta hiểu rõ hơn một trong những thành công đầu tiên của kiến trúc hiện đại Việt Nam đầu thế kỉ 20. Đây là một trong số những thành tựu sinh động về sự thâm nhập và biến đổi của kiến trúc hiện đại vào thực tế bản địa. Giá trị của phương án kiến trúc có được nhờ vào tư duy thiết kế hiện đại của người thiết kế, tiếp thu quan điểm hiện đại về kiến trúc và quy hoạch. Ngôn ngữ kiến trúc thực dụng, phù hợp với hoàn cảnh và lối sống của người Việt Nam. Thành công đó là kết quả của việc đưa yếu tố Con người vào trung tâm của giải pháp thiết kế, khi người thiết kế thực hiện bằng cả trái tim hướng đến cộng đồng. Những bài học và giải pháp này sẽ vẫn còn nguyên giá trị trong bối cảnh hiện nay, khi việc phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp đang là nhu cầu cấp thiết của toàn xã hội.
———–
Tác giả:
- Nguyễn Mạnh Trí – Giảng viên khoa Kiến trúc và quy hoạch, đại học Xây dựng,
Bài viết đã đăng tại Tạp chí Khoa học công nghệ Xây dựng – Trường Đại học Xây dựng số 26/11-2015
———-
Tài liệu tham khảo
- Tự Lực Văn Đoàn (1938), “Hội bài trừ những nhà hang tối”, Ngày nay, 38.
- Phạm Văn Bình (1938), “Mục đích và chương trình hội Ánh sáng”, Ngày nay, 72.
- Đỗ Quý Toàn (2013), “Phong trào Nhà Ánh Sáng của Tự Lực Văn Đoàn Báo Phong hóa”, Ngày nay và Tự lực văn đoàn, California.
- Khúc Hà Linh (2010), Anh em nhà Nguyễn Tường Tam “Nhất Linh” ánh sáng và bóng tối, Nhà xuất bản Thanh niên, Hà nội
- Hội kiến trúc sư Việt Nam (2008), Thế hệ kiến trúc Việt Nam đầu tiên, Nhà xuất bản Văn hóa thông tin, Hà nội.
- Hoàng Đạo (1938), “Ánh sáng ở thôn quê”, Ngày nay, 72.
- Phan Phương Thảo (2013), Khu phố cổ Hà nội nửa đầu thế kỉ XX qua tư liệu địa chính, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà nội
- Caroline Herbelin (2009), « Des habitation des bon marche au Vietnam. La question du logement social en situation coloniale ». Moussons Recherche en sciences humaines sur l’Asie du Sud-Est, Vietnam; Histoire et perspectives contemporaines, 12-14.
- Đoàn Ánh sáng (1938), « Góp ý kiến về hội Ánh sáng », Ngày nay, 69.
- Đoàn Ánh sáng (1938), « Trả lời thư bạn đọc », Ngày nay, 100.
- Đoàn Ánh sáng (1938), “Trả lời thư bạn đọc », Ngày nay, 71.
- Đoàn Ánh sáng (1938), “Kỷ yếu Ánh sáng”, Ngày nay, 89.
- Đoàn Ánh sáng (1938), « Nhà ở rẻ tiền để thợ thuyền và dân nghèo ở », Ngày nay, 38.
- Đoàn Ánh sáng (1938), “Kỷ yếu Ánh sáng”, Ngày nay, 109.
- Hoàng Như Tiếp (1938), « Trại Ánh sáng Phúc xá ». Ngày nay, 107.
- Vũ Tam Lang (1999), Kiến trúc cổ Việt Nam, Nhà xuất bản Xây dựng, Hà nội.
- Hoàng Đạo (1938), « Đi thăm trại Ánh sáng ». Ngày nay, 1938.
- Gilbert Lupfer (2003), « To-morrow: a Peaceful path to Real Reform », Theorie de l’architecture de la renaissance a nos jours. 2003, Taschen: Koln.
- Gilbert Lupfer (2003), « Tony Garnier Une cite industrielle: Etude pour la construction des villes », Théorie de l’architecture de la renaissance a nos jours. 2003, Taschen: Koln.
- Trương Quang Thao (1995), « Vấn đề đơn vị ở: Từ tiểu khu đến quần thể đô thị ». Tạp chí kiến trúc, 1995, 1.
- Hoàng Như Tiếp (1938), « Kỷ yếu Ánh sáng ». Ngày nay, 109.
- Hoàng Như Tiếp (1938), « Một nếp nhà ánh sáng ». Ngày nay, 72.
- Quang Đán (2015), « Về Kim Bình, nơi diễn ra Đại hội lần thứ II của Đảng », Tin tức, 18/02/2015.
- Laura Victoir (2013), “Hygienic Colonial Residences in Hanoi”, Harbin to Hanoi: Colonial Built Environment in Asia, 1840 to 1940, Hong Kong University Press, Hongkong.
- Hoàng Như Tiếp (1938), “Kiến trúc Ánh sáng”, Ngày nay, 78.