Trong sự phát triển chung của nhân loại kiến trúc cũng có những bước phát triển nhất định của nó. Trong từng giai đoạn, từng thời kỳ kiến trúc đều có những biểu hiện riêng biệt của một ngành nghệ thuật không chỉ dừng lại ở hiệu quả của cái đẹp mà nó còn phải có ý nghĩa sử dụng trong cuộc sống. Xã hội càng phát triển yêu cầu của con người đối với kiến trúc càng cao hơn, đa dạng hơn và khắt khe hơn. Ví như ta đang thiếu nhà ở thì khi có một chỗ để ở là thấy thỏa mãn, nhưng khi có đủ diện tích ở thì ta lại cần nó đẹp và khi đã thấy đẹp ta lại đòi hỏi nó phải có tính văn hóa hơn… tóm lại nhu cầu của con người luôn đòi hỏi cao hơn đối với kiến trúc.
Để thỏa mãn các đòi hỏi của con người, các kiến trúc sư đã tìm tòi để tạo ra những công trình mang tính tiêu biểu, khám phá… và từ đó tạo nên những trào lưu, những xu hướng kiến trúc khác nhau. Trong khoảng đầu thế kỷ XX các kiến trúc sư tìm cách giải quyết vấn đề kết hợp các công năng của các công trình đã xây dựng với nhu cầu mới của xã hội và những khả năng của công nghệ mới như bê tông, thép và kính… Thời kỳ này đã xuất hiện xu hướng tìm tòi cái đẹp trong sự đơn giản để phù hợp với việc sử dụng có tính công nghiệp hóa và có thể áp dụng cho nhiều nơi và người ta gọi là phong cách quốc tế [1]. Trong giai đoạn này vì hạn chế của nhiều yếu tố từ chính trị tới điều kiện khoa học kỹ thuật mà xu hướng này chỉ ảnh hưởng tới các nước châu Âu và Bắc Mỹ. Nhưng ở cuối thế kỷ XX khi thế giới trở nên thế giới phẳng thì phong cách quốc tế bị lạm dụng một cách thô thiển vì người ta lợi dụng sự đơn giản hóa để tạo điều kiện cho các công trình hoàn thành một cách nhanh nhất và tiết kiệm nhất. Hậu quả của nó là hàng loạt các công trình có phong cách kiến trúc được nhân bản giống nhau, bất chấp điều kiện khí hậu, tự nhiên, văn hóa bản địa riêng.
Chính vì vậy mà một số nhà kiến trúc đã cố gắng tìm tòi để có thể đưa ra những thiết kế có bản sắc nhằm cứu vãn sự nhàm chán và khô cứng của các đô thị. Trong bối cảnh đó phong cách hậu hiện đại ra đời, nhưng nó không phát triển được mạnh mẽ vì nó chưa có một cơ sở lý luận dựa trên các yếu tố cốt lõi của nền văn hóa của từng khu vực, từng quốc gia (đây là quan điểm của tác giả bài viết). Cuối thế kỷ XX và đầu XXI xuất hiện xu hướng kiến trúc bền vững. Xu hướng này rất mở chính vì vậy mỗi quốc gia, mỗi vùng miền đều có thể suy xét để lựa chọn đặc điểm và khả năng của mình để áp dụng. Đi sâu và mổ xẻ xu hướng này cho thấy xuất hiện nhiều khía cạnh khác nhau được các kiến trúc sư khai thác như: kiến trúc sinh thái, kiến trúc xanh, kiến trúc khí hậu và kiến trúc bản địa.
Những vấn đề của kiến trúc xanh, kiến trúc sinh thái đã có rất nhiều tác giả đề cập tới, trong khuôn khổ bài này, tác giả chỉ phân tích về các cơ sở để có thể đánh giá phong cách của công trình kiến trúc, để từ đó có thể làm rõ tính bản địa của công trình.
Theo từ điển Wikipedia: Kiến trúc bản địa chỉ về một nền kiến trúc dựa trên những đặc điểm tiềm năng của địa phương, vật liệu địa phương và truyền thống địa phương [2]. Trong bài Kiến trúc bản địa Việt Nam trong thế giới đương đại của PGS.TS Doãn Minh Khôi đã phân tích và cho những ví dụ về tính bản địa ở kiến trúc đương đại Việt Nam. Ông đã đưa ra bốn đặc điểm của kiến trúc bản địa ở Việt Nam là: “Môi trường địa lý và cảnh quan của địa phương; Được tạo nên bởi các cư dân cộng đồng; Kiến trúc bản địa trong đời sống đương đại; Trong đời sống đương đại sự đòi hỏi về vật chất thì giới hạn, trong nhu cầu tinh thần thì vô hạn” [3].
Và gần đây ở Singapore, GS. Sishir Chang có viết bài báo với tựa đề: “Một kiến trúc bản địa cao tầng trong nhà ở HDB (Housing Development Board: Cơ quan phát triển nhà ở) của Singapore” mà trong đó ông đã sử dụng thuật ngữ kiến trúc bản địa mới. Để lý giải cho điều này ông đã phân tích và so sánh không gian của một dạng tổ chức ở truyền thống với không gian của nhà cao tầng của HDB xây dựng hiện nay. Qua phân tích ông đã khẳng định nhà ở cao tầng của HDB có mang tính bản địa. Vì ông cho rằng “tính bản địa là một trong những sự biến thiên liên tục của cùng chung loại nhà mà cư dân có thể hiểu như là những thành phần riêng lẻ và cũng là những bộ phận toàn vẹn của một Kampung đồng nhất” (Kampung theo tiếng Malaysia là làng) [4].
Ở đây cho thấy việc nhìn nhận đánh giá có sự kế thừa của tính bản địa hay không rất khác nhau và cũng rất trừu tượng khó hiểu gây nhiều ý kiến trái chiều. Để dễ dàng hơn cho việc đánh giá cần thiết có những yếu tố chính để dựa vào đó phân tích. Qua nghiên cứu cho thấy những yếu tố đó là :
– Đó là việc nhìn nhận bối cảnh xây dựng của công trình. Yếu tố này rất cơ bản vì mỗi công trình được xây dựng trong những giai đọan nhất định, mỗi giai đoạn lại có điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội, khả năng công nghệ… và nó đã chi phối đến tác giả và chủ đầu tư rất lớn.
– Mối quan hệ của công trình với khung cảnh chung. Chúng đối lập hay hài hòa và vì sao tác giả của nó chọn giải pháp này.
– Hình dáng cụ thể của ngôi nhà. Độ cao, tỷ lệ giữa các phần của nhà, xem xét phong cách thuần nhất hay chịu tác động của nhiều phong cách đang thịnh hành trong giai đoạn nó được xây dựng.
– Tổ chức không gian bên trong và bên ngoài công trình. Việc tổ chức không gian đáp ứng công năng của công trình như thế nào, có yếu tố nào tác động tới việc tổ chức này như quy mô, khí hậu hay những yêu cầu của tâm linh, văn hóa…
– Cấu trúc của công trình. Những công trình xây dựng có tính truyền thống hay kiến trúc dân gian thể hiện cấu trúc rất rõ ràng. Những công trình xây dựng mới đặc biệt cuối thế kỷ XX và đầu XXI sự thể hiện về cấu trúc có phần phức tạp vì điều kiện công nghệ có nhiều tiến bộ. Nên khi phân tích yếu tố này cần gắn với yếu tố bối cảnh ra đời của công trình.
– Vật liệu xây dựng. Sử dụng vật liệu địa phương hay không. Tính ưu việt của vật liệu địa phương. Nếu không tại sao vật liệu địa phương bị gạt bỏ.
– Phân tích những chi tiết cấu tạo và chi tiết trang trí. Trang trí đơn thuần dùng màu sắc hay sử dụng những loại hình trang trí khác như phù điêu, tượng. Cần quan tâm đến hình dáng và nội dung chủ đề của các chi tiết trang trí. Tìm hiểu kỹ tính văn hóa bản địa và tín ngưỡng khu vực trong cách sử dụng trang trí.
– Màu sắc bên trong và bên ngoài công trình. Đặc điểm khí hậu tác động khá rõ đến sự lựa chọn màu sắc cho công trình. Vật liệu và yếu tố tâm linh cũng cần lưu ý khi phân tích.
– Có sử dụng các đặc điểm liên quan tới một phong cách nào đó đã có. Để phân tích các đặc điểm này cần dựa vào yếu tố về bối cảnh xây dựng ra đời của công trình ở trên. Dù muốn hay không nhà đầu tư thường bị chi phối bởi các trào lưu và xu hướng thẩm mỹ thịnh hành trong giai đoạn xây dựng, việc này sẽ có tác động tới nhà thiết kế [5].
– Tác giả của đồ án thiết kế. Mỗi người có một phong cách sáng tạo, một tư duy riêng biệt nên công trình sẽ phản ánh được tư tưởng của tác giả.
Đây là các yếu tố để dựa vào khi phân tích phong cách của một công trình kiến trúc. Trong thực tế không phải lúc nào cũng cần thiết phải phân tích đầy đủ tất cả. Điều này phụ thuộc vào thực trạng của công trình.
———
Tác giả.
- PGS. TS. Phạm Đình Việt, giảng viên trường Đại học Xây dựng
Bài viết đã đăng tại Tạp chí Khoa học công nghệ Xây dựng – Trường Đại học Xây dựng số 26/11-2015
Tài liệu tham khảo
- Nguyễn Văn Dân, Xu hướng hiện đại trong kiến trúc thế giới, vanvn.net
- Từ điển Wikipedia
- Doãn Minh Khôi (2014), “Kiến trúc bản địa Việt Nam trong thế giới đương đại”, Tạp chí Khoa học công nghệ Xây dựng, Số 19.
- Trần Anh Đào (2011), “Kiến trúc bản địa mới trong nhà ở cao tầng Singapore”, Tạp chí Kiến trúc Việt Nam, Số 8.
- Richard Apperly, Robert Irving, Peter Reynolds, Identifying Australian Architecture.