Tóm tắt: Bài viết tập trung nghiên cứu bối cảnh bảo tồn của đình làng khu vực Hà Nội trong đó đề cập đến các ưu điểm và nhược điểm của các yếu tố nội tại và ngoại cảnh tác động lên đình làng. Bên cạnh đó, tác giả đề xuất áp dụng một mô hình đánh giá giá trị trong công tác bảo tồn các ngôi đình làng. Những hiểu biết cơ bản về giá trị cũng như bối cảnh bảo tồn là nền tảng cho một số nhóm giải pháp chính nhằm cải thiện công tác bảo tồn và quản lý di tích đình hiện nay. Trong các nhóm giải pháp đó, sự tham gia của cộng đồng, cải thiện hệ thống dữ liệu di tích là những vấn đề trọng tâm.
Từ khóa: Bảo tồn; đình làng; quản lý di tích; công cụ đánh giá giá trị di sản.
Summary: This paper pays explicit attention to the heritage management of Dinhs in Hanoi. By researching certain communal houses in region, the author would like to deal with some issues in the conservation and management of communal houses in region. With this in mind, this paper initially reviewed conservation context of communal houses. Then the implementation of new value assessment tool to communal houses introduced new interpretation to communal houses’ values. In the final step, certain solutions were proposed to improve current conservation and management of communal houses as national heritage.
Keywords: Conservation; communal house; heritage management; value assessment tool
1. Mở đầu
Lịch sử Việt Nam 4000 năm chứng kiến bao thăng trầm và biến cố, chiến tranh cùng với các thiên tai địch họa thách thức cho sự tồn tại của các di tích. Các công trình kiến trúc lại là những đối tượng trực tiếp nhất của các tác động tiêu cực trên. Qua đó để nhận thấy rằng, sự tồn tại của các ngôi đình ngày nay thật đáng trân trọng. Điều đó không thể có được nếu thiếu đi sự giữ gìn, tu bổ liên tục của nhiều thế hệ trong những hoàn cảnh thiếu thốn vật chất và những khó khăn đến từ sự thay đổi của xã hội và lịch sử. Đã có những giai đoạn, đình làng Việt Nam đã bị lãng quên, sử dụng sai mục đích, hội làng không còn được duy trì nữa [1]. Thừa nhận sai lầm đó là một cách để chúng ta càng trân trọng hơn các giá trị văn hóa, lịch sử, mỹ thuật… của những ngôi đình hiện nay.
Mục tiêu nghiên cứu của bài viết là các ngôi đình đã được xếp hạng di sản quốc gia ở khu vực Hà Nội và vùng phụ cận. Mục đích của nghiên cứu là hiểu được một số vấn đề cơ bản trong quản lý và bảo tồn di tích đình làng của khu vực nghiên cứu. Ba ngôi đình Tây Đằng, Chu Quyến và So được lựa chọn là trường hợp nghiên cứu nhằm minh họa và làm rõ vấn đề nghiên cứu. Ba trường hợp này được lựa chọn do sự đặc trưng khác nhau của tình trạng quản lý di tích. Thông qua đó để thấy rõ hơn được vấn đề chung của việc quản lý và bảo tồn đình làng ở Hà Nội và khu vực lân cận. Cuối cùng, bài viết cũng đưa ra một số đề xuất cơ bản nhằm cải thiện tình trạng quản lý di tích đình làng hiện nay.
2. Bối cảnh bảo tồn của đình làng khu vực Hà Nội hiện nay
Cùng với sự phát triển của lý thuyết bảo tồn di tích, cách thức tiếp cận đến di tích càng ngày trở nên rộng hơn và linh hoạt hơn. Di tích không nên bảo tồn bằng cách tách biệt nó ra khỏi tự nhiên và sự phát triển, sự thay đổi và vận động tự nhiên. Nói cách khác, bảo tàng hóa di tích là một cách tiếp cận không còn phù hợp nữa. Thêm vào đó, công tác bảo tồn không nên còn là công việc riêng của các nhà chuyên môn nữa mà sự tham gia của cộng đồng càng ngày càng đóng vai trò quan trọng tác động lớn đến hiệu quả của công tác bảo tồn di tích (Hình 1).
Hình 1. Sự mở rộng hóa khái niệm về bảo tồn di tích hiện nay [2]
Nắm được bối cảnh bảo tồn của di tích là cơ sở cho các hoạt động bảo tồn, do đó các yếu tố nội tại và những yếu tố ngoại cảnh tác động lên đình làng cần được nghiên cứu và đề cập trước khi đưa ra bất cứ đề xuất nào cho việc cải thiện công tác quản lý và bảo tồn đình làng hiện nay. Phân tích Swot (Bảng 1) (Phân tích đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức) được áp dụng như là một công cụ hiệu quả để khái quát bối cảnh bảo tồn các ngôi đình làng đã được công nhận là di sản quốc gia.
Mang những nét đặc trưng của công trình kiến trúc gỗ cổ truyền và là nơi tổ chức các hoạt động của làng, các ưu nhược điểm của đình làng do đó cũng rất đặc trưng cho công trình gỗ cổ truyền của Việt Nam cũng như một số nước Châu Á. Trước hết khi xét đến các yếu tố nội tại của đình làng, những lợi thế có được là một cấu trúc gỗ linh hoạt có khả năng lắp dựng và hạ giải dễ dàng thuận tiện cho việc sửa chữa. Bản thân là một công trình đa năng phục vụ cho nhiều hoạt động văn hóa khác nhau, không gian bên trong đình làng rất linh hoạt đối với các công năng khác nhau trong đó không loại trừ những chức năng mới xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân địa phương. Bên cạnh những điểm mạnh về thuộc tính vật lý của công trình, thì về yếu tố tinh thần, ngôi đình làng luôn nhận được những tình cảm đặc biệt từ người dân địa phương mặc dù các mối liên hệ tinh thần đó đã và đang trở nên mờ nhạt dần. Bên cạnh những điểm mạnh đặc thù của kiến trúc gỗ truyền thống, điểm yếu cơ bản đầu tiên của đình làng là kém bền vững của vật liệu gỗ đối với các tác động của thiên nhiên. Các hỏng hóc thường thấy trong các ngôi đình đều có liên quan đến sự phá hoại của côn trùng và điều kiện độ ẩm cao của khí hậu Việt Nam [3]. Một khó khăn khác cho công tác bảo tồn và quản lý di sản đình ở Việt Nam xuất phát từ hệ thống lưu trữ thông tin di tích chưa hiệu quả mà phương pháp xây dựng dựa theo kinh nghiệm và nguyên nhân khách quan chính. Những tư liệu khảo sát đầu tiên đối với đình làng được thực hiện bởi người Pháp vào thế kỷ 20, phần còn lại tất cả những hoạt động xây dựng, tu bổ đối với đình làng ở thời gian trước không hề có các hồ sơ kỹ thuật như bản vẽ hay ghi chép chi tiết về kỹ thuật thi công hay mô tả về các thay đổi về kiến trúc. Kết quả là hiện nay các kiến thức về kỹ thuật thi công, hay biên niên sử về sự phát triển của từng ngôi đình làng nhìn chung là khá sơ sài khi so sánh với các công trình cổ của phương Tây.
Khi xét đến các yếu tố ngoại cảnh tác động đến công tác bảo tồn và quản lý di sản đình làng, cơ hội và thách thức luôn song hành. Trong các cơ hội đối với đình làng, những nhu cầu văn hóa của cộng đồng đem đến cơ hội cho việc thích nghi không gian đình làng với các hoạt động văn hóa mới. Bên cạnh đó, không thể phủ nhận được rằng chương trình mục tiêu văn hóa quốc gia về chống xuống cấp các di tích văn hóa là một cơ hội để nâng cao ý thức của xã hội về tầm quan trọng của bảo tồn di sản nói chung và đình làng nói riêng nhằm mục tiêu phát triển bền vững. Bên cạnh những cơ hội đó, thách thức đối với công tác bảo tồn đình làng là không hề nhỏ, trong đó sự thay đổi của kinh tế – xã hội là một yếu tố then chốt dẫn đến sự quên lãng và suy giảm các chức năng truyền thống của đình làng. Trước đây, việc trùng tu, sửa chữa và gìn giữ ngôi đình làng đều dựa trên những đóng góp của người dân địa phương những người nhận thấy lợi ích trực tiếp từ các hoạt động cộng đồng diễn ra ở ngôi đình làng hoặc vẫn còn những mối liên hệ tinh thần đối với ngôi đình. Như vậy, động lực của các sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động gìn giữ đình làng là lợi ích mà ngôi đình đem lại thông qua các hoạt động diễn ra ở đây. Khi các hoạt động ở đình làng bị mai một đồng nghĩa với các động lực này cũng mất dần đi.
Ngày nay, một trong những bài học đầu tiên của nền kinh tế thị trường đó là sự tự trị, tự cấp tự túc đồng nghĩa với đói nghèo [4]. Kết quả là các chức năng chính của đình làng hiện nay chỉ gói gọn trong một vài lễ hội trong năm còn phần lớn thời gian là đóng cửa – đối với đình có kiến trúc khép kín hoặc để mở và không có bóng dáng các hoạt động nào. Có một điểm đáng chú ý ở đây đó là cơ hội của việc đưa các chức năng mới vào trong ngôi đình làng truyền thống dường như chưa được quan tâm đúng mức. Một mặt khi các chức năng truyền thống như hội họp đã biến mất, mặt khác những nhu cầu mới của xã hội chưa được nghiên cứu để đưa vào cho ngôi đình. Điều đó đã dẫn đến một thách thức chung đối với nhiều ngôi đình đó là sự suy giảm các chức năng truyền thống cũng như mối liên hệ giữa người dân địa phương và đình làng càng trở nên mờ nhạt (Hình 2). Khái niệm chuyển đổi chức năng sử dụng (transformation) hay thích nghi (adaptation) đình làng trong hoàn cảnh xã hội mới ít được nhắc đến trong các đồ án bảo tồn. Thay vào đó, các dự án bảo tồn nói chung và đình làng nói riêng vẫn chú trọng vào các yếu tố vật chất mà chưa quan tâm đến các yếu tố phi vật chất của đình làng.

Hình 2. Tình trạng bỏ hoang ở đình Vĩnh Phệ
Ngoài những thách thức chính như trên, thì hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác quản lý di sản còn nhiều hạn chế và vốn ngân sách hạn hẹp cho việc trùng tu bảo tồn cũng là những thách thức không nhỏ. Hiện nay, cơ sở dữ liệu của các di tích chưa được số hóa dẫn đến việc tiếp cận các thông tin di tích bao gồm cả di tích đình làng là rất hạn chế. Bên cạnh đó, khi chưa được số hóa các thông tin di tích thì khả năng cập nhật tình trạng của di tích thường xuyên là rất khó. Khi mà tình trạng của di tích không được cập nhật thường xuyên thì việc bỏ sót các di tích xuống cấp trầm trọng là rất dễ xảy ra. Ngoài ra, khi không có một hệ thống dữ liệu số về các di sản thì việc đánh giá và so sánh sự cần thiết đầu tư giữa các di sản là rất khó khăn và dễ dẫn đến việc phân bổ nguồn vốn không hiệu quả trong công tác trùng tu bảo tồn di sản nói chung và đình làng nói riêng.
Bảng 1. Phân tích Swot đối với đình làng khu vực Hà Nội hiện nay
Tích cực | Tiêu cực | |
Yếu tố nội tại | Điểm mạnh
– Kiến trúc đa năng và khả năng thích nghi cao, linh hoạt dễ sửa chữa – Đình làng thường nhận được sự tôn trọng nhất định của người dân địa phương, đặc biệt là người cao tuổi. |
Điểm yếu
– Vật liệu xây dựng nhạy cảm với các tác động của thiên nhiên – Đình làng thiếu hệ thống tài liệu và lưu trữ tương xứng với giá trị và lịch sử do phương pháp xây dựng hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm và thiếu các bản vẽ kỹ thuật. |
Yếu tổ ngoại cảnh | Cơ hội
– Phát triển du lịch – Có những nhu cầu mới của xã hội về một không gian văn hóa – Ý thức về tầm quan trọng của bảo tồn không gian đình làng |
Thách thức
– Hỏng hóc và xuống cấp của công trình – Bị quên lãng và suy giảm các chức năng truyền thống – Các yếu tố cảnh quan bị xâm phạm – Hệ thống cơ sở dữ liệu di sản chưa hoạt động hiệu quả – Thiếu nguồn kinh phí cho việc trùng tu bảo tồn |
3. Giá trị của di tích đình làng
Đối với các di tích đình làng khu vực Hà Nội đã được xếp hạng là di tích cấp quốc gia thì mô hình đánh giá giá trị của di tích theo ba nhóm giá trị chính là giá trị văn hóa – lịch sử, giá trị kiến trúc nghệ thuật và giá trị sử dụng. Cách chia như trên có nhiều nét tương đồng với nguyên tắc bảo tồn được đề cập trong hiến chương về bảo tồn của Trung Quốc [5] định nghĩa giá trị của di tích bao gồm: lịch sử, khoa học, nghệ thuật, giá trị xã hội và giá trị văn hóa. Cách tiếp cận trên không nằm ngoài văn kiện Burra trong đó xác định rằng giá trị của di tích có thể được thể hiện trên bốn khía cạnh bao gồm nghệ thuật, lịch sử, xã hội và khoa học [6]. Thực tế, có rất nhiều công cụ dùng để đánh giá giá trị của di tích trong đó, mặc dù có những tranh cãi thì giữa các công cụ khác nhau luôn có những khía cạnh giống nhau. Một công cụ đánh giá giá trị của di tích tốt không đơn thuần được tạo ra bằng cách cộng gộp cơ học tất cả các phương pháp đánh giá giá trị di tích khác mà quan trọng là công cụ ngoài việc đưa ra được cách đánh giá giá trị di tích đầy đủ mà còn chỉ ra được mối liên hệ giữa các giá trị của di tích vốn là yếu tố phi vật thể với các yếu tố vật chất của di tích. Có như vậy thì việc đánh giá giá trị của di tích mới là một căn cứ quan trọng cho công tác bảo tồn và quản lý di tích.
Một vấn đề khác với mô hình đánh giá giá trị di tích hiện nay đó là còn chung chung chưa thể hiện được rõ các giá trị đặc trưng của đình làng vốn chỉ đơn thuần đề bao gồm việc liệt kê giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc – nghệ thuật, và giá trị sử dụng. Ví dụ, khi xem hồ sơ di tích của một số ngôi đình thì phần mô tả giá trị nổi bật của di tích được trình bày nguyên văn như nhau, chỉ thay tên di tích mà thôi. Điều đó thể hiện việc đánh giá giá trị của di sản chưa thực sự được tôn trọng đúng mức, trong khi đó là cốt lõi và là mục tiêu chính của công tác trùng tu bảo tồn.
Dựa vào nguyên tắc trên dường như cách thức đánh giá giá trị đình làng vẫn chưa thực sự là hiệu quả. Trong bài này, tác giả lựa chọn một công cụ có nhiều ưu điểm hơn trong việc giải thích mối quan hệ hữu cơ giữa giá trị của di tích và các yếu tố vật chất cốt lõi của di tích (Bảng 2). Dựa theo các nguyên tắc bảo tồn đề cập trong hiến chương Nara [7], công cụ đánh giá mô hình lưới Nara [8] đã được phát triển và ứng dụng nhiều năm nay tại trung tâm bảo tồn Raymond Lemair của trường ĐH KU Leuven, Bỉ như là một công cụ hiệu quả cho việc trình bày rõ ràng các giá trị của di tích. Có thể thấy rằng, sự khác biệt cơ bản giữa công cụ đánh giá mô hình lưới Nara và công cụ đánh giá giá trị di tích đối với đình làng hiện nay là việc thêm vào các yếu tố vật thể đặc trưng của di tích. Thông qua việc bổ sung các yếu tố này mà mối liên hệ mật thiết giữa yếu tố vật thể và phi vật thể trong bảo tồn được thể hiện rõ ràng qua đó là căn cứ cho việc xác định các thành phần gốc cũng như thành phần có giá trị cao trong một di tích. Trong thực tiễn của công tác bảo tồn di tích, việc giải thích rõ ràng mối liên hệ giữa giá trị cần bảo tồn với các khía cạnh vật chất của di tích sẽ làm giảm những tranh cãi và sự mơ hồ trong việc đưa ra các giải pháp bảo tồn.
Bảng 2. Mô hình đánh giá giá trị dạng lưới dựa theo công ước Nara
Mô hình đánh giá giá trị dạng lưới Nara | |||||
Các khía cạnh vật chất của di tích | Khía cạnh giá trị | Nghệ thuật | Lịch sử | Xã hội | Khoa học |
Cấu trúc và diện mạo | Kiến trúc và điêu khắc giàu tính thẩm mỹ | Kiến trúc của ngôi đình mang nhiều nét đặc trưng của nhiều giai đoạn phát triển khác nhau | Ngôi đình có vị trí dễ tiếp cận biểu đạt sự phân cấp địa vị xã hội trong cách bố trí không gian ngồi | Kiến trúc thân thiện môi trường, cấu trúc linh hoạt dễ tháo lắp, sửa chữa | |
Vật liệu | Đặc trưng chủ yếu bởi kiến trúc gỗ | Sử dụng các vật liệu khác nhau là bằng chứng cho các giai đoạn trùng tu xây dựng khác nhau | Sự chuẩn bị vật liệu xây dựng đình đòi hỏi thời gian, công sức và tài chính được đóng góp bởi cộng đồng và một số cá nhân – nhờ đó mà siết chặt tính đoàn kết của cộng đồng. | Là minh chứng về kiến thức sâu về sự am hiểu vật liệu gỗ, các tính chất cơ lý của gỗ,( khả năng chịu lực, kháng bệnh của gỗ) | |
Chức năng | X | Sự thay đổi của chức năng phản ánh các thay đổi của đời sống kinh tế, văn hóa, chính trị | Thông qua các hoạt động ở đình, tính tập thể và đoàn kết của cộng đồng được nâng cao | X | |
Kỹ thuật thi công | Thể hiện óc thẩm mỹ và bàn tay tài hoa của người thợ | Ngôi đình là minh chứng quan trọng cho phương pháp thi công dân gian dựa theo kinh nghiệm và không có các tài liệu kỹ thuật | X | Thông qua nghiên cứu đình, có thể hiểu được các kỹ thuật thi công truyền thống như đục, chạm, tháo lắp. | |
Vị trí và cảnh quan | Vị trí và cảnh quan được lựa chọn cẩn thận giàu tính thẩm mỹ theo nguyên tắc kết hợp hài hòa với thiên nhiên | Là bằng chứng lịch sử về lối định cư truyền thống và tổ chức không gian | Vị trí trung tâm về tinh thần của cộng đồng | Các kiến thức về phong thủy và âm dương ngũ hành rất đáng quý và cần được nghiên cứu thêm | |
Tinh thần và cảm xúc | X | Là công trình luôn nhận được sự tự hào và quan tâm của người dân, đối với người cao tuổi, đình làng còn đem đến cảm giác hoài cổ nhớ thương | X | X |
4. Trường hợp nghiên cứu
Ba trường hợp nghiên cứu đã được lựa chọn và nghiên cứu là đình Tây Đằng, đình Chu Quyến và đình So nhằm minh họa rõ hơn tình trạng bảo tồn và quản lý di tích đình làng khu vực Hà Nội. Ba ngôi đình được lựa chọn có hình thái kiến trúc đặc trưng khác nhau và tình trạng bảo tồn khác nhau một cách tương đối. Thông qua việc đánh giá một số tiêu chí của các di tích, những vấn đề của công tác bảo tồn đã được chỉ ra một cách rõ ràng hơn (Bảng 3).

Bảng 3. Bảng so sánh và đánh giá tình trạng di tích đình Tây Đằng, đình Chu Quyến, đình So
So sánh với hai ngôi đình Tây Đằng và đình Chu Quyến, mức độ hỏng hóc của đình So là đặc biệt xuống cấp. Hiện tượng ẩm mốc, mối mọt ở đình So có thể thấy khá phổ biến ở các cấu kiện kiến trúc gỗ và gạch. Lý do của tình trạng này là đình Tây Đằng và Chu Quyến đã trải qua các dự án tu bổ rất lớn gần đây trong khi đình So chỉ nhận được một số công tác tu bổ thay thế nhỏ vào năm 2007. Tuy nhiên, về mức độ xâm phạm các yếu tố cảnh quan, mức độ của các hoạt động truyền thống cũng như mức độ sử dụng và kết nối của người dân với ba ngôi đình chỉ ra rằng không có mối liên hệ rõ ràng giữa những ngôi đình có mức đầu tư lớn cho công tác bảo tồn với ngôi đình nhận được mức đầu tư khiêm tốn. Nói cách khác, các công tác bảo tồn dường như hoàn toàn chú tâm vào yếu tố vật chất của ngôi đình mà chưa chú ý đến các yếu tố phi vật thể. Ví dụ, tuy đang ở trong tình trạng xuống cấp trầm trọng, ngôi đình So vẫn giữ được mối liên hệ khá cặt chẽ với hội người cao tuổi thông qua các hoạt động thường xuyên của người cao tuổi ở đây. Không gian đình làng So vẫn phục vụ rất tốt cho một không gian hội họp và sinh hoạt văn hóa của người cao tuổi địa phương. Tương tự, đình Chu Quyến sau dự án bảo tồn năm 2010 đã trở thành một sân chơi quen thuộc của trẻ em và cũng như sân hoạt động thể thao của người dân địa phương. Điều đáng chú ý là các hoạt động này được đưa vào một cách tự nhiên bởi người dân địa phương mà không có một hướng dẫn nào từ phía đơn vị tư vấn hay hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn. Qua khảo sát và phỏng vấn, không có tác động tiêu cực đáng kể nào từ các hoạt động của người dân đến đình Chu Quyến. Ngược lại với đình So và đình Chu Quyến, đình Tây Đằng là một ví dụ tiêu biểu của một bảo tàng kiến trúc được bảo vệ cẩn thận bởi bức tường được xây dựng lên vào năm 2001 và không có dấu hiệu của mối liên hệ với người dân địa phương. Bù lại, nguy cơ bị xâm phạm khu vực bảo vệ đối với đình Tây Đằng thấp hơn nhiều so với đình Chu Quyến và đình So. Đặc biệt đối với đình Chu Quyến, tình trạng ô nhiễm mặt nước (Hình 3) đã từng xảy ra trước dự án bảo tồn năm 2010. Lý giải cho hiện tượng này là sự buông lỏng quản lý di tích sau quá trình trùng tu di tích. Các chức năng truyền thống còn lưu giữ lại ở cả ba ngôi đình cho thấy chức năng hội họp và tổ chức các sinh hoạt văn hóa văn nghệ ở các ngôi đình gần như đã biến mất. Chức năng hội họp còn thấy ở đình So cũng chỉ có tầm ảnh hưởng đến một nhóm nhỏ người cao tuổi của địa phương những người thường chơi cờ, đọc báo ở đây vào mỗi buổi chiều.

Hình 3. Tình trạng ô nhiễm mặt nước ở đình Chu Quyến
Một điểm nổi bật có thể nhận thấy ở cả ba ngôi đình đó là người cao tuổi thuộc đối tượng có mối liên hệ chặt chẽ nhất đối với các ngôi đình. Thiếu niên và nhi đồng nằm trong nhóm có mức độ liên hệ chặt chẽ với đình làng đứng thứ hai khi sử dụng các ngôi đình như là một không gian vui chơi, hoạt động thể thao (Hình 4). Trong khi đó, nhóm người trong lứa tuổi lao động vốn là trụ cột về kinh tế trong cộng đồng thì lại có mối liên hệ lỏng lẻo nhất. Đó là hậu quả của việc đình làng mất đi khả năng đem đến những lợi ích về kinh tế thông qua việc củng cố tính cộng đồng trong lao động sản xuất nông nghiệp. Hậu quả là công tác xã hội hóa việc trùng tu và quản lý di tích gặp rất nhiều khó khăn mà việc thiếu nguồn ngân sách là một yếu tố quan trọng. Mặc dù mục tiêu phát triển du lịch luôn được đề cập đến trong các dự án bảo tồn và trùng tu di tích của cả ba ngôi đình, tuy nhiên vai trò của du lịch khá mờ nhạt ở cả ba địa phương và không đóng góp đáng kể đối với công tác bảo tồn di tích.

Hình 4. Các hoạt động của trẻ em ở đình Chu Quyến
5. Một số cơ sở lý thuyết cần chú ý trong bảo tồn đình làng
5.1 Một số điểm đặc thù cần chú ý trong việc vận dụng các lý thuyết bảo tồn với di tích của Việt Nam
Không thể phủ nhận được rằng các nền tảng lý thuyết liên quan đến vấn đề di sản, bảo tồn di sản hiện nay trên thế giới có nguồn gốc lịch sử từ Phương Tây, mà cụ thể là Châu Âu. Thêm vào đó, trong quá trình đô hộ và chiếm đóng của mình, các tư tưởng và lý thuyết bảo tồn của Phương Tây càng thể hiện rõ nét ở các nước thuộc địa. Điểm tích cực của quá trình này là nó đã xây dựng cơ sở lý thuyết về di sản, ý thức bảo tồn di sản được cụ thể hóa cho các nước Châu Á trong đó có Việt Nam [9]. Tuy nhiên, đối với lý thuyết bảo tồn vốn dĩ rất linh hoạt trong cách vận dụng cần được áp dụng trên cơ sở hiểu được một số điểm khác biệt của Việt Nam so với phương Tây. Cụ thể trong việc sử dụng các vật liệu xây dựng, việc sử dụng gỗ phổ biến trong xây dựng các công trình truyền thống của Việt Nam đồng nghĩa với việc thay thế cấu kiện và đôi khi hạ giải là điều bắt buộc phải làm trong quá trình trùng tu và bảo tồn di tích. Điều này xem ra đã vi phạm nghiêm trọng tiêu chí về tính xác thực trong bảo tồn cổ điển của phương Tây khi mà hiện trạng và vị trí của di tích đã bị thay đổi nghiêm trọng. Tuy nhiên, đó là cách mà người Việt cổ vẫn làm trong quá trình trùng tu, sửa chữa xưa kia. Mặt khác, nó phản ảnh tính linh hoạt, khả năng tháo lắp vốn được coi là một giá trị độc đáo của kiến trúc gỗ Việt Nam. Do đó, việc có thể xê dịch vị trí một số cấu kiện sau khi tháo lắp là điều không thể tránh khỏi và điều có thể chấp nhận được sau quá trình tu bổ.
Công tác trùng tu tôn tạo di tích là một phần việc trong công tác bảo tồn di tích vốn dĩ bao hàm ý nghĩa lớn hơn đó là nghiên cứu giữ gìn và phát huy các giá trị của di tích [10]. Đối với các nước Châu Á, đôi khi việc giữ gìn được yếu tố vật chất không quan trọng bằng việc giữ được các giá trị được đại diện bởi các yếu tố vật chất đó. Điều đó có nghĩa rằng, các giá trị cốt lõi của yếu tố vật chất mất đi thì việc tồn tại của thực thể đó cũng không còn nhiều ý nghĩa. Một ví dụ sinh động của yếu tố này là ngôi đền Shinto ở Nhật Bản được xây dựng lại sau mỗi 20 năm. Họ quan niệm rằng việc giữ gìn việc xây dựng ngôi đền đó là một cách để giữ lại tính chất của di tích là một thực thể tồn tại được nhờ việc không ngừng quan tâm và sửa chữa nó. Do đó, việc gìn giữ một di tích trong mối liên hệ với các hoạt động văn hóa là một yếu tố vô cùng quan trọng trong [11] công tác bảo tồn di tích. Có như vật thì di tích mới thực sự là thực thể sống đối với cộng đồng xung quanh.
Nhận ra được sự cần thiết một cơ sở lý thuyết dựa trên các công ước quốc tế thích ứng với điều kiện đặc thù của nước mình, một số nước Châu Á đã đưa ra cho quốc gia mình những định hướng riêng cho công tác bảo tồn di tích. Có thể kể ở đây như Trung Quốc [12], Indonesia [13], Lào. Hay trên cấp độ khu vực có những hội nghị đề cập đến vấn đề bảo tồn của riêng Châu Á Thái Bình Dương [14], trong đó hiến chương Hội An năm 2006 cũng là một tài liệu đáng chú ý [15].
5.2 Sự kết nối hữu cơ giữa di sản vật thể và phi vật thể
Hội làng là một trong vài hoạt động lớn nhất hàng năm được tổ chức trong đình làng và khu vực lân cận đình làng – thường là một khu đất rộng rãi. Đã có nhiều ý kiến khác nhau về cấu trúc của lễ hội nói chung và đình làng nói riêng. Một số ý kiến cho rằng có hai phần trong hội làng là phần lễ và phần hội. Ý kiến khác cho rằng nếu chia như vậy sẽ không thấy được sự liên hệ hữu cơ giữa phần hành lễ với các hoạt động như trò trơi hoặc cuộc thi trong thời gian lễ hội. Theo đó, lễ hội bao gồm ba yếu tố tạo thành: nhân vật thờ phụng, các thành tố hiện hữu và cuối cùng là các thành tố tàng ẩn nhưng hiện hữu trong các thời gian thiêng [16]. Ví dụ một số ngôi đình thờ thánh Tản Viên – tức là vị thần núi đại diện cho việc đắp đê trị thủy thì phần trò chơi hoặc hội thi thường liên quan đến nước như là đua thuyền, bắt vịt… Cốt lõi của hoạt động hội làng là thể hiện sự tôn trọng đối với nước – cốt lõi của sự sống ngoài ra còn là một đại diện của thiên nhiên trực tiếp ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân [17]. Do đó, việc thấu hiểu được cấu trúc và giá trị của lễ hội thì việc quản lý ngôi đình sẽ được đặt trong suối nguồn văn hóa và sự hiểu biết của người dân về những giá trị cốt lõi tàng ẩn trong các yếu tố hiện hữu. Mặt khác, trong bối cảnh lịch sử đã thay đổi, việc giữ gìn các hội làng cũng cần tôn trọng những gì từ cộng đồng hiện nay sáng tạo được nảy sinh từ nhu cầu thực chất của cộng đồng. Có như vậy thì sức sống của các hoạt động lễ hội mới được duy trì [18].
Trong công tác bảo tồn ngôi đình làng được xếp hạng di tích kiến trúc quốc gia, việc khảo sát đánh giá tình trạng di tích, các hỏng hóc và sửa chữa đóng vai trò chủ đạo. Việc nghiên cứu về kỹ thuật xây dựng, các yếu tố liên quan như cảnh quan (settings), hay sự liên hệ với con người, tác động của di tích đến yếu tố văn hóa xã hội (association) chưa được nghiên cứu một cách thấu đáo.
6. Một số giải pháp đề xuất nhằm cải thiện công tác bảo tồn và quản lý di tích đình làng

Hình 5. Các hình thức kiến trúc phổ biến của đình làng
1: Đại Đình, 2: Hồ Bán Nguyệt, 3: Tả Hữu Vu, 4: Nghi Môn, 5: Hậu Cung, 6: Tiền Tế, 7: Nhà Hậu Cần
6.1 Tiêu chuẩn hóa thông tin về di tích đình làng
Một trong những đặc tính cơ bản của kiến trúc đình, chùa Việt Nam là “thống nhất trong đa dạng”. Điều đó có thể thấy qua tính đặc trưng của các cấu trúc vì kèo gỗ của đình và chùa (Hình 5). Việc tiêu chuẩn hóa thông tin về di tích của đình làng do đó có thể thực hiện được bằng việc đưa ra các thông tin miêu tả di tích từ vật liệu, số gian, kiểu cột, chiều cao, kích thước, kết cấu mái, niên đại, đặc trưng kiến trúc, giá trị nổi bật… Tiêu chuẩn hóa thông tin và số hóa thông tin sẽ làm cho việc lựa chọn các di tích đình làng trở nên dễ dàng hơn thay vì việc các địa phương chạy đua để di tích của mình được lên cấp cũng như nhận được nguồn vốn ngân sách cho công tác trùng tu. Như vậy, mặc dù với nguồn ngân sách sẽ được sử dụng một cách hiệu quả nhất trong việc đầu tư đúng vào các di tích. Điều này cũng đã được GS. Hoàng Đạo Kính chia sẻ: “Càng giữ tràn lan, chúng ta lại càng gặp nhiều thách thức và càng dễ bỏ qua, không tập trung bảo tồn những gì bức thiết nhất. Bởi cuộc sống là sự đào thải dần những gì không phù hợp với quy luật vận động của nó. Để tồn tại được tới bây giờ, rất nhiều những di tích, di sản trong lịch sử cũng đã trải qua những cuộc đào thải, thanh lọc tự thân rồi” [20].
Công tác tiêu chuẩn hóa thông tin cũng là một bước đệm cho việc tạo ra ngân hàng dữ liệu về di tích đình, chùa – vốn chiếm số lượng lớn trong hệ thống di tích Việt Nam. Ngân hàng dữ liệu về di tích sẽ dễ dàng trong việc quản lý di tích, chia sẻ thông tin giữa các đơn vị tư vấn, người dân và do đó nâng cao chất lượng nghiên cứu di tích và sự hiểu biết của người dân về di tích. Công tác này thực tế đã và đang được triển khai trên nhiều nước. Một số phần mềm đơn giản cũng đã được áp dụng cho việc số hóa thông tin di tích với chi phí thấp.
6.2 Bù đắp các chức năng đã biến mất cho đình làng và sự tham gia của cộng đồng trong bảo tồn di tích đình làng
Hiện nay, việc tham gia của cộng đồng trong việc bảo tồn và gìn giữ di sản đã được khẳng định là điều kiện tiên quyết. Các lợi ích của sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo tồn đã được chỉ ra ở nhiều nghiên cứu và hội nghị quốc tế. Trước hết sự tham gia của cộng đồng trong quá trình đánh giá giá trị của di tích sẽ đảm bảo tính xã hội – vốn là một đặc trưng của giá trị di sản. Tiếp theo, sự tham gia của cộng đồng sẽ giảm áp lực về tài chính lên nguồn ngân sách quốc gia vốn không tương xứng với số lượng di tích ngày một tăng. Lịch sử đã chứng minh rằng trước khi ra đời những lý thuyết bảo tồn và sự tham gia của các cơ quan chuyên môn trong công tác bảo tồn thì người dân địa phương đã giữ gìn khá tốt đình làng trong hàng trăm năm. Một lợi ích khác của sự tham gia của người dân đó là sự giám sát kịp thời đối với tình trạng của di tích. Ngoài ra, bên cạnh những tác động của thiên nhiên thì những tác động từ yếu tố con người có ảnh hưởng rất lớn đến tình trạng di tích. Ví dụ như ô nhiễm môi trường, sự xâm phạm khu vực bảo vệ di tích, các hoạt động phá hoại, trộm cắp là một số tác động tiêu cực của con người vốn có thể được giảm thiểu nhờ sự tham gia tích cực của người dân địa phương. Một yếu tố rất quan trọng nữa đó là mối liên hệ giữa người dân địa phương với đình làng chính là giá trị xã hội của đình làng vốn đặc biệt quan trọng trong văn hóa Việt Nam nói riêng và văn hóa Châu Á nói chung.

Hình 6. Nhà thờ tại thành phố Maastricht, Hà Lan đã được chuyển đổi thành một hiệu sách nhưng không làm ảnh hưởng đến các thành phần gốc của công trình
Câu hỏi đặt ra là làm sao để khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo tồn và quản lý di sản. Câu trả lời có thể nhìn thấy ở bài học lịch sử của chính ngôi đình làng khi mà các hoạt động xây dựng, tu sửa, bảo vệ đều được thực hiện bởi người dân địa phương – những người có lợi ích gắn liền với các hoạt động ở đình làng. Như vậy lợi ích và các hoạt động ở đình làng là từ khóa cho câu trả lời ở đây. Việc bổ sung các hoạt động ở đình làng là cách hiệu quả để khôi phục lại mối liên kết chặt chẽ giữa người dân và di sản. Trước hết phải khẳng định rằng không gian linh hoạt của đình làng đem đến một tiềm năng rất lớn cho rất nhiều hoạt động như hội họp, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thi đấu thể thao. Thêm vào đó, các chức năng mới như không gian triển lãm văn hóa, sân chơi cho trẻ em, tổ chức các buổi học tập dã ngoại cho trẻ em ở đình làng là những phương án vừa nâng cao hiểu biết và sự tự hào của người dân với đình làng vừa đáp ứng được những nhu cầu thực tế từ địa phương. Hiện nay, còn thiếu vắng các giải pháp khôi phục và bổ sung các hoạt động ở đình làng. Các bài học từ việc bảo tồn các nhà thờ cổ của phương Tây thì việc chuyển đổi mục đích sử dụng cũng là một yếu tố cần tính đến nhằm đảm bảo các công trình có được nguồn kinh phí cho công tác trùng tu và bảo tồn cũng như đảm bảo rằng công chúng được tiếp tục tham quan và tiếp cận với công trình. Những công trình cổ bị phá đi xây mới là những ví dụ đau xót về cách ứng xử không phù hợp với di sản, tuy nhiên mặt khác cũng không nên cứng nhắc trong tư duy bảo tồn là đơn thuần giữ gìn nguyên trạng. Thay vào đó, cách ứng xử linh hoạt nhằm giữ gìn được các giá trị của di sản trong bối cảnh phát triển là điều cần thiết đối với các ngôi đình hiện nay.
6.3 Xây dựng lực lượng có chuyên môn trong công tác bảo tồn di tích đình
Trong công tác bảo tồn và quản lý di tích nói chung và đình làng nói riêng, lực lượng có chuyên môn đóng vai trò quan trọng. Người nắm được nguyên tắc bảo tồn sẽ là đóng vai trò như kiến trúc sư trưởng trong việc kết nối các chuyên gia trên nhiều lĩnh vực tham gia vào dự án bảo tồn và quản lý di tích. Điều đó dẫn đến sự cần thiết các chương trình đào tạo nhân lực về bảo tồn ở Việt Nam. Tham khảo một số trường Đại học tại một số nước như Bỉ, Anh và Đức thì chương trình đào tạo về bảo tồn thường nằm ở cấp độ cao học. Điều đó nhằm hướng đến việc những người tham gia khóa học đã có những kiến thức cần thiết ở các lĩnh vực như kiến trúc, lịch sử, khảo cổ… trước khi nắm được các nguyên tắc bảo tồn. Đây có thể coi là một hướng đi đáng tham khảo cho các cơ sở đào tạo ở Việt Nam như Trường Đại học Kiến trúc, Trường Đại học Xây dựng.
6.4 Nghiên cứu phát triển quy hoạch không gian làng xã Việt Nam cần đi trước việc bảo tồn di tích đình làng
Không gian làng xã Việt Nam hiện chưa nhận được sự quan tâm tương xứng đối với quy mô và số lượng. Trong khi đó làng xã là đơn vị gắn kết nhất đối với các ngôi đình làng, cách thức tiếp cận trong bảo tồn đương đại đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc về không gian làng xã để đạt được kết quả cao nhất trong bảo tồn đình làng. Mặc dù trong quy hoạch, các di tích luôn được đánh dấu và yêu cầu được tôn trọng, tuy nhiên việc hiểu được giá trị không gian làng Việt một cách thấu đáo thì không phải dự án nào cũng làm được. Tại Trung Quốc, quốc gia này đã đưa ra được văn bản đề xuất đến các nguyên tắc ứng xử đối với không gian cảnh quan làng cổ, trong đó thừa nhận những giá trị làng xã nông thôn. Đây có thể là một bước đi cần tham khảo của đất nước có ít nhiều tương đồng với Việt Nam.
7. Kết luận
Công tác bảo tồn và quản lý di tích đình làng hiện vẫn còn nhiều những khó khăn và thách thức. Một số vấn đề trong công tác bảo tồn đình làng thường thấy là sự thiếu kết nối giữa ngôi đình và tính nguyên gốc của bối cảnh bảo tồn. Yếu tố nguyên gốc này cần được nhìn nhận trong sự biến đổi không ngừng và cũng cần được xem xét đến trong việc bảo tồn đình làng. Thiếu nguồn lực tài chính và cách tiếp cận quá chú trọng vào yếu tố vật chất của đình làng là hai trong số những nguyên nhân dẫn đến giảm hiệu quả trong công tác bảo tồn đình làng. Một vài nhóm giải pháp nhằm cải thiện công tác bảo tồn và quản lý di tích có thể kể đến ở đây là việc tiêu chuẩn hóa thông tin về di tích nhằm nâng cao chất lượng quản lý, đầu tư trọng điểm cho di tích và nâng cao hiểu biết của người dân về di tích. Phục hồi sức sống cho đình làng thông qua việc bổ sung các chức năng hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng cũng là một nhóm giải pháp quan trọng nhằm tăng cường sự tham gia của người dân trong công tác bảo tồn đình làng cũng như gìn giữ giá trị xã hội của đình làng. Ngoài ra việc xây dựng lực lượng chuyên môn của ngành bảo tồn là một giải pháp cần sự tham gia của các cơ sở đào tạo chuyên ngành kiến trúc, văn hóa ở Việt Nam.
———-
Tác giả.
- Ths. KTS. Nguyễn Trường Giang, giảng viên bộ môn Lý thuyết lịch sử kiến trúc.
Bài viết đã đăng tại Tạp chí Khoa học công nghệ Xây dựng – Trường Đại học Xây dựng số 26/11-2015
Tài liệu tham khảo
- Trần Lâm Biền (2004), “Đình làng Việt – Một di sản kiến trúc”, Di sản văn hóa, Số 8.
- Wijesuriya, G, J Thompson, and Chr Young (2013), Managing cultural world heritage, Unesco world heritage centre, Paris, Link: http://whc.unesco.org/uploads/activities/documents/activity-703-1.pdf.
- Hoàng Đạo Cương (2006), Các hỏng hóc thường thấy trong cấu kiện gỗ Việt Nam, Viện Bảo tồn di tích, Hà Nội.
- Phạm Hùng Cường (2014), Làng Việt – Bảo tồn và phát triển, NXB Nông nghiệp, Hà Nội, ISBN 979-604-60-1442-3.
- ICOMOS Trung Quốc (2015), Các nguyên tắc bảo tồn di tích của Trung Quốc 2015, Chengde, Mục 3.
- ICOMOS Australia (1999), “Hiến chương Burra”, Hội nghị Burra 1999, Link: http://www.icomos.org/australia/burra.html.
- ICOMOS (1994), “Hiến chương Nara về tính toàn vẹn của di tích”, tại Hội nghị Nara về tính toàn vẹn của di sản thể giới, Nara.
- Koel VAN BALEN (2008). “The Nara Grid: An Evaluation Scheame Based on the Nara Document on Authenticity”, in: APT Bullentin, v.39,n.2/3, Springlield.
- Bouchenaki, Mounir (2003),“The interdependency of the tangible and intangible cultural heritage”,In: 14th ICOMOS General Assembly and International Symposium: ‘Place, memory, meaning: preserving intangible values in monuments and sites’, 27 – 31 oct 2003, Victoria Falls, Zimbabwe, Link: http://openarchive.icomos.org/468/1/2_-_Allocution_Bouchenaki.pdf.
- Christina CAMERON (2009), “The evolution of the concept of Outstanding Universal Value”, in: Nicholas STANLEY-PRICE/Joseph KING (eds.), Conserving the authentic, essay in honor of Jukka Jokilehto, ICCROM Conservation studies 10, Rome.
- ICOMOS Trung Quốc (2002), “Các nguyên tắc bảo tồn di tích của Trung Quốc 2002”, Link: http://www.icomos.org/australia/images/pdf/china_prin.pdf.
- Indonesia Charter for Heritage Conservation (2003), Link: http://www.international.icomos.org/charters/indonesiacharter.Pdf.
- UNESCO (2006), “Hoi An Protocols for Best Conservation Practice in Asia”, tại hội nghị Hội An cho những dự án bảo tồn xuất sắc nhất của Châu Á, năm 2001, Link: http://www.unescobkk.org/fileadmin/user_upload/culture/cultureMain/Instruments/HAP__English_.pdf
- Bùi Quang Thanh (2012), “Một số vấn đề tổ chức, quản lý lễ hội truyền thống”, Di sản văn hóa, Số 2.
- Hoàng Lan (2011). “Nét ứng xử với nước của cư dân châu thổ Bắc Bộ”, Di sản văn hóa, Số 4.
- Trần Hùng (2010), “Tăng cường nhận thức và quản lý Lễ Hội – Một số ý kiến từ tiếp cận quản lý di sản văn hóa phi vật thể”, Di sản văn hóa, Số 4.
- ICOMOS Australia (1999), “Hiến chương Burra”, Hội nghị Burra 1999, Link: http://www.icomos.org/australia/burra.html.
- Báo Thể thao – Văn hóa, GS. Hoàng Đạo Kính, “Đừng rượt đuổi theo hai chữ bảo tồn”, Link: http://thethaovanhoa.vn/video/van-hoa-giai-tri/gs-hoang-dao-kinh-dung-ruot-duoi-theo-2-chu-bao-ton-n20140102150053236.htm.