Môn học Cơ sở tạo hình kiến trúc (CSTHKT) là một trong những môn học cơ sở ngành, giúp cho sinh viên kiến trúc cũng như những người yêu thích nghiên cứu tìm hiểu về lĩnh vực kiến trúc nắm được những quy luật cảm thụ thị giác, tìm hiểu các yếu tố căn bản nhất của nghệ thuật tạo hình, xem xét các cấu trúc tự nhiên cũng như các hình thể kết cấu, cấu trúc trong tạo hình kiến trúc. Ngoài ra, môn học còn nâng cao khả năng tạo hình khối, không gian, tìm tòi ý tưởng cho thiết kế kiến trúc và quy hoạch tổ chức không gian.
Như vậy, có thể cho thấy ý nghĩa của môn học CSTHKT là rất quan trọng cung cấp kiến thức về thị giác, về tạo hình khối, không gian trong quá trình sáng tác và tổ hợp kiến trúc của các kiến trúc sư (KTS). Mục tiêu của bài viết mốn trao đổi, đề xuất một số vấn đề nội dung giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng môn học CSTHKT trong đào tạo KTS hiện nay.
Nội dung môn học CSTHKT trong các trường đào tạo kiến trúc sư tại Việt Nam
Môn học CSTHKT là một trong những môn học liên ngành, liên quan nhiều đến nghệ thuật hiện đang được giảng dạy tại các cơ sở đào tạo kiến trúc sư trong cả nước, cơ cấu và nội dung giáo trình, bài giảng mỗi cơ sở đào tạo sử dụng có đôi chút khác nhau những phần lớn đều hướng tới các mục tiêu:
- Cung cấp cho sinh viên kiến trúc những hệ thống khái niệm, thuật ngữ có tính chất nền tảng cùng những vấn đề đặt ra với nghệ thuật tạo hình nói chung và nghệ thuật tạo hình kiến trúc nói riêng cần giải quyết,
- Phân tích hình ảnh các tác phẩm kiến trúc, hội họa, điêu khắc cùng hệ thống các bài tập thực hành theo từng chương mục, thiết thực giúp sinh viên tiếp cận các vấn đề mới mẻ mà trước đó họ ít được biết đến. Sự nhận biết và thực hành này là hữu ích cho tìm hiểu lý thuyết về nghệ thuật tạo hình cùng công việc tổ chức thiết kế các đồ án kiến trúc và quy hoạch.
Các ngành hay còn gọi là các bộ môn nghệ thuật tạo hình như: Hội họa, kiến trúc, điêu khắc, nghệ thuật tạo dáng trang trí thủ công mỹ nghệ, thiết kế đồ họa, các dòng nghệ thuật đương đại, thiết kế nội thất, thiết kế thời trang…đều coi môn học CSTH là phần quan trọng. Môn học làm cơ sở, nền tảng cho việc sáng tác tạo hình các tác phẩm, sản phẩm mang tính thẩm mỹ.
Môn học CSTH cho các bộ môn trên thường đề cấp đến các vấn đề sau:
- Nghiên cứu các quy luật về cảm nhận thị giác với thế giới hình dạng, hình thể.
- Giới thiệu các yếu tố cơ bản của nghệ thuật tạo hình (Primary Elements of Art) như: Điểm, tuyến, diện, hình khối, không gian, ánh sáng, màu sắc, chất liệu, tỷ lệ, nhịp điệu, sự cân bằng, độ nặng nhẹ…
- Tìm hiểu các dạng thức, thủ pháp tạo hình khi tổ chức kết hợp một hay nhiều hình dạng, hình thể.
- Trình bày các nguyên tắc, nguyên lý nên tuân thủ khi làm thao tác công việc tạo hình.
Với thiết kế tạo hình kiến trúc, ngoài các vấn đề có tính chất thuộc kỹ thuật – công nghệ thì cách thức tạo hình mang đặc trưng của không gian ba chiều là rất quan trọng. Môn học CSTH chú trọng hướng tới mục tiêu này, cụ thể:
- Tìm hiểu các dạng thức, các thủ pháp tạo hình dạng, xử lý khối, hợp nhóm một hay nhiều đơn vị thành phần trong không gian hai hay ba chiều.
- Đề cập đến các dạng thể cùng các biến thể có tính chất kết cấu, cấu trúc căn bản nhất tạo nên không gian thực cho kiến trúc.
Nội dung giảng dạy môn học CSTHKT tại Trường Đại học Xây dựng
Trường Đại học Xây dựng đã có kinh nghiệm giảng dạy môn học CSTHKT hơn 50 năm, từ bài giảng ban đầu được biên soạn do các thầy được đào tạo ở các nước Đông âu về đến nay Bộ môn Lý thuyết và Lịch sử kiến trúc, Trường Đại học Xây dựng đã biên soạn đầy đủ giáo trình, bài giảng, tài liệu phục vụ công tác giảng dạy và học tập.
Do hệ thống các khái niệm trong nghệ thuật tạo hình tương đối nhiều và đôi khi trừu tượng nên có thể dẫn tới sự lẫn lộn, khó hiểu đối với người bước đầu tiếp xúc với nghệ thuật này, do đó đòi hỏi phải có sự kết hợp liên tục giữa lý thuyết và bài tập thực hành trong cả quá trình học tập. Mặt khác, hệ thống bài thực hành bám theo từng chương nếu được nêu ra và biên soạn đầy đủ có thể rất nhiều, lên đến hàng chục bài. Vì vậy, với thời lượng lên lớp có hạn, việc cân nhắc phân bổ thực hiện hay chỉ là tham khảo các bài thực hành là điều nên cân nhắc với giảng viên và sinh viên sao cho phù hợp với khả năng tiếp thu của sinh viên. Theo đó bài giảng môn học CSTHKT được chia làm 4 chương:
- Chương 1 nghiên cứu thị giác con người nhìn nhận thế giới hình dạng, hình thể và các tín hiệu thị giác như thế nào?;
- Chương 2 xét đến các cấu trúc bề mặt tự thân của hình thể;
- Chương 3 bàn đến các thành phần hay các yếu tố cơ bản của nghệ thuật tạo hình là: Điểm, tuyến, diện, khối;
- Chương 4 tìm hiểu cách thức tổ chức hợp nhóm và cấu tạo, cấu trúc không gian ba chiều.
Dưới đây là nội dung giảng dạy của môn học CSTHKT:
Chương 1: Những quy luật cơ bản của nhận thức thị giác
- Điều kiện cảm nhận thị giác, ánh sáng, màu sắc
- Lực thị giác
- Trường thị giác
- Cân bằng thị giác
- Hình dạng thị giác
- Tập hợp thị giác
- Chuyển động thị giác
- Sự biến hình trong cảm nhận thị giác, các quy luật đối chiếu và liên tưởng
- Những quy luật nhận thức của thị giác: Quy luật gần, quy luật tương đồng, quy luật khép kín, quy luật tương phản, quy luật chuyển đổi.
Ở chương này chủ yếu nghiên cứu sự cảm nhận của mắt người, nghiên cứu yếu tố ngoại vi tác động đến chất lượng nhìn, giới thiệu một số hình ảnh, hình dạng đặc biệt có sự sai lệch hay ảo giác khi cảm nhận. Các bài thực hành về tổ chức các dạng hình thể dước góc độ cảm nhận thị giác.
Một số hình ảnh minh họa:
Hình 1,2: Hình vẽ thử nghiệm về sự tập trung thị giác ở mỗi khu vực trong một khuôn trang.

Hình 3: Sơ đồ cấu trúc một hình vuông – Rudodf Arnheim.

Hình 4: Hình minh họa về quy luật gần, các dấu chấm đen được liên kết lại theo chiều dọc do khoảng cách giữa chúng gần nhau hơn so với chiều ngang.

Hình 5: Chuyển đổi hình – nền, xoay dần ô vuông màu trắng, phần giữa tranh nền đen có thể trở thành hình.

Hình 6: Ảo giác hình học, các đường thẳng trở nên lượn song, hình vuông nối tiếp như bị méo, các hình vuông to, nhỏ đã làm sai lệch.
Chương 2: Chất liệu, các cấu trúc bề mặt hình thể
- Khái quát chung
- Khả năng diễn hình và biểu đạt của độ sáng, tối, đậm, nhạt
- Chất liệu, cấu trúc bề mặt
- Các loại vật liệu và cấu trúc bề mặt: Cấu trúc bề mặt tự thân, cấu trúc bề mặt mô tả, cấu trúc bề mặt cách điệu, cấu trúc bề mặt kiến tạo mới, cấu trúc mang tính thị giác và mang tính xúc giác.
Nội dung của chương này mong muốn truyền tải đến sinh viên những nội dung kiến thức cốt lõi như đặc tính của diện và hình thể các dạng vật liệu hoàn thiện bề mặt công trình kiến trúc dưới góc độ: màu sắc, độ đậm nhạt, các thức tổ chức bề mặt (Texture), cảm giác vẽ thị giác, xúc giác.
Một số hình ảnh minh họa:
Hình 7,8,9,10: Cấu trúc bề mặt mang đặc tính khác nhau.
Hình 11,12: Cấu trúc bề mặt mang đặc tính xúc giác
Chương 3: Các thành phần cơ bản trong ngôn ngữ tạo hình kiến trúc
- Khái quát chung
- Điểm trong tạo hình kiến trúc: Khái niệm và nhận dạng điểm, tạo hình điểm trong kiến trúc, khả năng biểu đạt và diễn hình của điểm.
- Tuyến, nét trong tạo hình kiến trúc: Khái niệm và nhận dạng tuyến, nét, đặc tính và hình thái của tuyến, tạo hình tuyến, nét
- Diện trong tạo hình kiến trúc: Khái niệm và nhận dạng diện, tạo hình diện, bình diện.
- Khối và cấu trúc trong tạo hình kiến trúc: Khái niệm và nhận dạng khối, quá trình giải khối, tạo hình khối.
Nội dung của chương này mong muốn truyền tải đến sinh viên những nội dung kiến thức cốt lõi như: nhận dạng các thành phần cơ bản của tạo hình, khả năng biến hình, biến cảm của các yếu tố tạo hình trong nghệ thuật, cách thức dùng các yếu tố tạo hình của một số kiến trúc sư, họa sĩ tiêu biểu, thức hình công tác dùng các loại yếu tố tạo hình cơ bản làm nên một tác phẩm tạo hình hai hay ba chiều.
Một số hình ảnh tiêu biểu.

Hình 13: Một tập hợp điểm tạo ra tuyến. Các tuyến có độ mảnh, xa gần khác nhau do kích cỡ các điểm.

Hình 14: Điểm tạo rung Vasarely 1956.

Hình 15: Hệ tuyến trực giao trong công trình kiến trúc – Wexner Center for the visual art, Ohio, 1989, Peter Eisenman.

Hình 16: Nét đa nghĩa Picasso.

Hình 17: Nét đa nghĩa trong kiến trúc – Opera House, Sydney.

Hình 18: Nét xiên trong kiến trúc: Karuizawa Museum Complex, Japan, 2011.

Hình 19: Nét và bản diện cong trong kiến trúc, Jay Pritzker Pavilion, Chicago, 2004.

Hình 20: Chia cắt và dịch chuyển diện.

Hình 21: Kết hợp diện theo kiểu đấu đỉnh.
Chương 4: Tạo hình kiến trúc
- Khái niệm
- Các nguyên tắc tạo hình
- Giới hạn của những yếu tố tạo hình đối với không gian
- Tổ chức tạo hình hai chiều: Giới thiệu chung; sự lặp lại; sư tương tự; cấu trúc biến đổi dần; kiểu dạng tán xạ; kiểu dạng dồn nén trung tâm; sự dị biệt; sự tương phản; phép xoay tỏa trượt hình; đối xứng, cân xứng và phép biến hình qua tâm, qua trục.
- Tổ chức tạo hình ba chiều: Giới thiệu tạo hình ba chiều; tạo khối thông qua chuyển dạng; dịch chuyển các lớp diện;
- Ô không gian cơ sở và phép tạo không gian
- Cấu trúc vách, tường
- Hình lăng trụ, nghịch lăng trụ và hình trụ
- Tuyến và hệ mạng
- Tuyến liên kết, khung cơ bản
- Các dạng kết cấu và cấu trúc đặc biệt khác.
Nội dung của chương này mong muốn truyền tải đến sinh viên những nội dung kiến thức cốt lõi như: Tìm hiểu các mục tiêu, tiêu chí nên đạt được khi làm các tác phẩm tạo hình; nghiên cứu cách tổ chức nhóm của các hình thể đơn lẻ; tìm hiểu các thủ pháp tổ chức không gian hai, ba chiều, bàn về tạo hình ba chiều như quá trình giải khối, các dạng thức tổ hợp không gian, kiểu cách kết cấu, cấu trúc…
Một số hình ảnh minh họa:

Hình 22: Tổ chức tạo hình kiến trúc: Dùng thủ pháp lặp lại và biến đổi dần The World trade Center Transportation Hub, New York 2016.

Hình 23: Cấu trúc nhánh khung xương con cá voi Bảo tang Quảng Ninh.

Hình 24: Xử lý khối hợp, cắt vát khối.

Hình 25: Tạo hình kiến trúc, thủ pháp khấu trừ khối, khối trong khối, Family house, Statrio, Ticino, Switzeland, 1981.

Hình 26: Tạo hình kiến trúc bản diện cong Culture Center, Azertaizan, 2013.

Hình 27: Kết cấu, cấu trúc mạng – Milan, Trade Fair, Italy, 2004.
Hệ thống bài tập
Nhằm giúp sinh viên tiếp thu tốt kiến thức và ứng dụng sang thực hành một cách nhuần nhuyễn, sau các nội dung và cuối mỗi chương, sinh viên phải làm các bài tập và mô hình cụ thể như sau:
Chương 01 gồm 01 bài tập:
Bài tập 1 gồm 01 bài tập: Lực và trường thị giác, mục tiêu của bài là nghiên cứu sự tập trung của mắt với một tập hợp ký tự hay hình ảnh trong một khuôn hình. Xác định xem vùng nào tập trung nhất, vùng nào rời rạc, sự liên kết hay phân rã ở mỗi vùng (xem ví dụ Hình 1, Hình 2)
Chương 2 gồm 03 bài tập.
Bài tập 1: Tạo và sưu tầm cấu trúc bề mặt. Mục đích là tìm sự đa dạng của bề mặt. Sinh viên có thể vẽ lại hay dập mầu từ 5 đến 10 kiểu dạng bề mặt, tổ chức lại trên một khuôn hình (ví dụ hình 28).

Hình 28: Tạo cấu trúc bề mặt (bài tập của sinh viên Lê Văn Sơn 60KD).
Bài tập 2: Tổ chức bề mặt. Mục đích là tạo ra một hình dạng quen thuộc nhưng lại có chất liệu bề mặt mới mẻ. Cách làm: lấy các cấu trúc bề mặt đã sưu tầm ở bài 01 tổ chức lại trên hình dạng mới (ví dụ hình 29).

Hình 29: Tổ chức bề mặt diện với cấu trúc bề mặt đa dạng (Bài tập của sinh viên Ứng Xuân Trịnh 60KD).
Bài tập 3: Tổ chức bề mặt mang tính xúc giác: Mục đích hướng người thực hành cảm nhận được vẻ đẹp, tính quy luật của bề mặt mang đặc tính xúc giác. (lồi, lóm, vết khúc, xẻ rãnh…). (Xem ví dụ hình 30, 31)

Hình 30: Tổ chức bề mặt lồi lõm theo dải (bài tập của sinh viên Nguyễn Huệ Thư 60KD).

Hình 31: Tổ chức bề mặt với các diện dời tam giác (Bài tập của sinh viên Nguyễn Văn Tuấn 60KD)
Chương 3 gồm 04 bài tập.
Bài 1: Điểm tạo rung: Mục đích tạo sự rung động, lồi lõm sự động thị giác khi chỉ dùng yếu tố điểm (Hình 32)

Hình 32: Các điểm được bố trí không theo hệ lưới trực giao đã tạo ra sự động, sự lồi lóm cho bề mặt (Bài tập của sinh viên Nguyễn Công Vinh – 51KD)
Bài 2: Rung các nét. Mục đích tạo nên sự rung động thị giác khi dùng các nét với độ mảnh khác nhau, chiều hướng khác nhau (ví dụ hình 33, 34).

Hình 33: Thay đổi chiều hướng nét tạo ra độ rung hay biến đổi cấu trúc bề mặt (Bài tập của sinh viên Vũ Minh Chính 48KD).

Hình 34: Thay đổi độ mảnh của nét tạo ra sự rung động tính tầng bậc của không gian (Bài tập của sinh viên nguyễn Minh Tuấn 50KD).
Bài 3: Tạo một bố cục với hợp nhóm các diện. Mục đích hướng người làm tạo nên tính trật tự, tính quy luật khi hợp nhóm các diện thông qua các thủ pháp như: Dùng tuyến điều hòa, hợp nhóm các kiểu chồng xếp, cận kề, tiếp xúc…(Ví dụ hình 35).

Hình 35: Hợp nhóm các hình vuông theo kiểu cạnh tiếp xúc cạnh, độ to nhỏ của các hình tuân theo quy luật của chuỗi số cộng fibonacci. (Bài tập của sinh viên Nguyễn Đình Nguyên 51KD).
Bài 4: Chia cắt diện: Mục đích của bài tập là thực hành các thao tác xử ls diện theo cách thức chia cắt.
Diện chia cắt có thể được dịch chuyển, nét chia cắt có thể là nét đậm, nét mảnh (Ví dụ hình 36).

Hình 36: Chia cắt một diện tròn bằng nét mảnh (Bài tập của sinh viên Phùng Minh Nguyệt 50KD).
Chương 4 gồm 06 bài tập.
Bài 1: Xử lý khối cơ bản: Khối cơ bản gồm 5 khối: Khối cầu, khối trụ, khối lập phương, khối tháp, khối hình côn thường được sử dụng trong tạo hình kiến trúc. Mục đích của bài tập giúp sinh viên tiếp xúc và thực nghiệm với xử lý các khối này thông qua các thủ pháp như: Khoét khối, cắt vát khối, chia cắt và chuyển dịch khối, cộng thêm khối…(ví dụ hình 37, 38)

Hình 37: Cộng thêm khối kiểu dạng cạnh trùng khít cạnh (Bài tập của sinh viên Trần Ngọc Anh 58KDF).

Hình 38: Xử lý khối lập phương kiểu dạng khoét khối (Bài tập của sinh viên).
Bài 2: Xử lý khối lăng trụ, khối trụ. Các khối này có thể nằm ngang hay thẳng đứng. Mục đích qua các thao tác cần thiếu tạo hình các khối này có chi tiết và hình thức mới mẻ (Hình 39, 40, 41)

Hình 39: Xử lý khối lăng trục theo kiểu cắt vắt cạnh (Bài tập của sinh viên Hà Hoài Ly 58KD)

Hình 40: Xử lý khối lăng trụ theo kiểu chia nội tại và khoét khối (Bài tập của sinh viên).

Hình 41: Một khối lăng trụ nằm ngang được thay đổi theo hướng trục cơ bản, khấu trừ hai mặt diện tham tạo nên khối (Bài tập của sinh viên)
Bài 3: Tạo khối thông qua các lớp diện: Mục đích tạo được khối có hình dạng biến chuyển thú vị thông qua cách biến đổi dần hình dạng, kích thước, chiều hướng diện (ví dụ hình 42,43).

Hình 42: Các diện hình vuông xoay đều tạo ra khối vặn xoắn (Bài tập của sinh viên Trần Thị Thu Huệ 57KD)

Hình 43: Các bản diện được thay đổi dần theo cách khấu trừ tạo nên khối trụ tròn có vẻ kỳ dị (bài tập của sinh viên Phạm Cao Chức 61KD).
Bài tập 4: Xử lý khối đa diện đều và bán đều. Dùng 1 trong 18 khối đa diện đều và bán đều thông qua cách xử lý như: làm thủng khối, cắt khối, biến dạng khối…để làm lên một thể trạng hình mới (ví dụ hình 44,45).

Hình 44: Xử lý nội tại khối (3.4.3.4) theo cách bỏ bớt mặt diện, làm thêm các vách bên trong (Bài tập của sinh viên Tạ Văn Duy 61KD).

Hình 45: Hợp nhóm khối: (4.4.4) và (3.3.3) theo cách cài lồng vào nhau (Bài tập sinh viên).

Hình 46: Biến điệu khối: (3.3.3.3) (Bài tập của sinh viên Nguyễn Thị Ánh 60KD)
Bài tập 5: Thực hành kết cấu, cấu trúc: Tuyến liên kết, khung cơ bản và hệ mạng. Mục đích tạo ra một tổ hợp không gian dùng các hệ thanh cong, thẳng thông qua khung chính, khung phụ…(ví dụ hình 47, 48, 49)

Hình 47: Tuyến liên kết dưa trên khung cơ bản thuộc các mặt của hình lập phương (Bài tập của sinh viên Nguyễn Quốc Việt 61KD).

Hình 48: Khung cơ bản lệch nhau các tuyến liên kết tạo nên bề mặt phẳng cong ba chiều (Bài tập của sinh viên Nguyễn Đức Đỏ 61KD).

Hình 49: Hai bản diện cong dựa trên khung chữ nhật chồng xếp lên nhau (Bài tập của sinh viên).
Bài tập 6: Diện tạo không gian: Có 2 dạng thức, một diện đơn tạo không gian và nhiều diện đơn tạo không gian. Thủ pháp được dùng là: uốn, gấp nếp, xẻ rãnh, cài lồng vào nhau. Mục đích hướng tới tư duy tạo không gian hay diện chỉ thông qua (plane), (Ví dụ hình 50, 51).

Hình 50: Một diện đơn dài uốn cong tạo không gian (Bài tập của sinh viên Phạm Đức Huy)

Hình 51: Một diện đơn gấp nếp tạo không gian (Bài tập của sinh viên Nguyễn Minh Hiếu 62KD)

Hình 52: Tạo không gian kiểu cài lồng bằng nhiều diện rời và phẳng (bài tập của sinh viên Hồ Ngọc Quyên 60KD).
3. Kết luận
Với cơ cấu, nội dung của môn học CSTHKT hiện nay của Trường Đại học Xây dựng về cơ bản đã giúp sinh viên hiểu biết và nắm chắc được kiến thức về nghệ thuật tạo hình nói chung và nghệ thuật tạo hình kiến trúc nói riêng. Nâng cao hiệu quả thiết thực trong việc nghiên cứu tạo hình, trang trí, sáng tác thiết kế công trình kiến trúc cũng như tạo lập quy hoạch không gian.
Mong muốn của tác giả cũng mong được sự quan tâm của các chuyên gia, các thầy đang nghiên cứu nghệ thuật tạo hình và giảng dạy môn học CSTHKT cùng trao đổi, thảo luận để ngày càng nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập môn học CSTHKT trong các trường đào tạo KTS./.

KTS. Đỗ Trọng Hưng
Giảng viên bộ môn Lý thuyết và Lịch sử kiến trúc, khoa Kiến trúc. Trường Đại học Xây dựng
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Design thị giác. Nguyễn Luận. 1990;
- Cơ sở tạo hình. Đỗ Trọng Hưng. 2015;
- Basic visual concepts and principles (for artists, architects and designers). Charles Wallschlaeger and Cynthia Basic. 2001;
- Visual study. A foundation for artists and Designers. Frank M.Young. 2002.
- Art of the 20th Ingo F.Walther.2012.
- Đề cương chi tiết học phần Cơ sở tạo hình. Bộ môn Lý thuyết và Lịch sử kiến trúc. Đại học Xây dựng.
- Bài giảng lưu hành nội bộ của Bộ môn Lý thuyết và Lịch sử Kiến trúc. Đại học Xây dựng.
- Các bài tập của sinh viên kiến trúc. Trường Đại học Xây dựng.