KIẾN TRÚC SƯ LOUIS KAHN

Kiến trúc sư Louis Kahn (1901-1973), được đánh giá là một trong số những kiến trúc sư quan trọng bậc nhất của nước Mỹ, nổi tiếng ngang hàng với KTS Frank Lloyd Wright. Hoạt động chính ở những thập niên 1950-60, ôngg thuộc thế hệ kến trúc sư tiếp nối của trào lưu Chủ nghĩa Kiến trúc hiện đại đầu thế kỷ 20. Bằng tài năng kiến trúc của mình, ông đã được trao huy chương vàng AIA năm 1971 và huy chương vàng RIBA năm 1972. Ông được ngợi ca là “Nhà tư tưởng kiến trúc”, “Nhà triết học kiến trúc”. Louis Kahn đã truyền tải vào Kiến trúc Chủ nghĩa Hiện đại một phong cách tinh tế, giàu chất thơ, ghi đậm dấu ấn cá nhân trong từng tác phẩm. Kiến trúc của ông kết nối quá khứ và hiện tại, chuyển hóa những giá trị tốt đẹp của kiến trúc cổ điển vào kiến trúc hoàn toàn hiện đại của mình.

1. Tiểu sử & những yếu tố ảnh hưởng đến phong cách kiến trúc của Louis Kahn     

Louis Isadore Kahn, sinh tại đất nước Estonia (gốc Do thái), nhưng theo gia đình đến định cư tại Mỹ khi ông 4 tuổi và sinh sống trong một khu ngoại ô nghèo của thành phố Philadelphia. Vì giỏi âm nhạc và vẽ, ông đã được nhận học bổng vào khoa Kiến trúc trường đại học Pennsylvania. Chương trình mà ông học khi đó mô phỏng theo mô hình Học viện hàn lâm Beaux-arts đến từ Pháp rất được ưa chuộng tại Mỹ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Chính thời gian đào tạo này đã để lại dấu ấn ở ông trong tư duy chặt chẽ về tỉ lệ và cấu trúc hình trong bố cục kiến trúc. Ông được học kiến trúc cổ điển châu Âu, nhưng ông cũng rất ngưỡng mộ những kiến trúc sư hiện đại đầu tiên như Frank Lloyd Wright, Mies van der Rohn và đặc biệt Le Corbusier. Ông nghiên cứu kỹ cuốn sách nổi tiếng của Le Corbusier “Hướng về một nền kiến trúc” (Vers une architecture). Louis Kahn đã biết kết hợp các luồng tư tưởng ở hai phía để tìm ra được lối đi riêng của mình. 

Bản kí hoạ lâu đài Carassonene của Kahn

Năm 1928, Kahn thực hiện một chuyến du lịch châu Âu. Ông quan tâm đặc biệt đến thành phố Carcassonne có tường thành bao quanh từ thời trung cổ, Pháp và các lâu đài của Scotland. Vẻ đẹp mộc mạc, ít trang trí, để lộ ra vẻ đẹp của những khối hình cơ bản những tòa lâu đài đá đã  gây ấn tượng với Kahn và ông còn nhìn ra được những điều thú vị trong cách bố trí các chức năng của lâu đài. Điều này đã tác động tới kiến trúc của Louis Kahn.

Bản kí hoạ cầu Vecchio ở Venise của Kahn năm 1930
Những thiết kế nhà ở giai đoạn đầu của Louis Kahn

Sau đó ông cùng Stonorov rồi sau đó là George Howe thành lập Văn phòng thiết kế. Ông thiết kế một số công trình nhà ở giá rẻ, được xây dựng hàng loạt ở Mỹ. Tuy nhiên, sự nghiệp kiến trúc giai đoạn đầu của ông không gây được sự chú ý.

Kim tự tháp của Ai cập, Kahn 1951

Đến năm 1947 ông trở thành giáo sư kiến trúc tại Đại học Yale, Mỹ. Năm 1950, Louis Kahn nhận giải thưởng “Rome Prize”, giải thưởng cao quí của hệ thống giáo dục Beaux-arts. Chính nhờ vào giải thưởng này mà ông đến nước Ý, sau đó thăm quan Hy Lạp và Ai Cập. Những ký hoạ của ông trong thời gian này như muốn quay lại nền tảng cơ bản, khai thác những ý nghĩa đầu tiên của kiến trúc thông qua những công trình cổ đại. Điều này giúp ông có những nhìn nhận sâu sắc về kiến trúc Địa Trung Hải.

Bạn nói với viên gạch “Gạch muốn gì?”. Viên gạch trả lời “Tôi muốn một cái vòm”. Nếu bạn nói với viên gạch “Vòm thì rất đắt, tôi có thể làm một cái lanh to bê tông bên trên một khoảng mở. Gạch nghĩ thế nào”. Viên gạch trả lời “tôi muốn một cái vòm”

Louis Kahn

Theo Kahn, kiến trúc hiện đại lúc đó đã mất đi điều quan trọng nhất là sự hoành tráng kiến trúc, sự truyền cảm của hình khối, sự rung động của không gian, thiếu đi sức mạnh biểu cảm tự thân của vật liệu. Công trình Tòa nhà trưng bày nghệ thuật Đại học Yale của Kahn (1952-54) tại New Haven, Connecticut, nơi ông giảng dạy, đã đánh dấu một sự khởi đầu đáng chú ý, khước từ từ những công trình theo Kiến trúc Chủ nghĩa Hiện Đại (Phong cách quốc tế) của thập kỷ trước. Kiến trúc hiện đại lúc đó chỉ là một khối trừu tượng. Chỉ có lớp vỏ phẳng, che giấu đi giải pháp kết cấu của công trình. Ông nhận ra những điều đó khi tham quan những tàn tích kiến trúc cổ đại của La mã, của Ai cập.

Kahn sửa bài cho sinh viên tại đại học Yale

Sau nhiều năm hoạt động chuyên môn và giảng dạy, năm 1953 ông được bầu làm thành viên của Viện kiến trúc Hoa kỳ (AIA). Đến năm 1957, ông là giáo sư kiến trúc tại trường kiến trúc, Đại học Pennsylvania. Năm 1964, ông là thành viên của Viện Nghệ thuật và Văn học Quốc gia, cùng năm đó ông nhận Huân chương Frank P. Brown. Ông đã được trao huy chương vàng AIA năm 1971 và huy chương vàng RIBA năm 1972. Ông mất ngày 17 tháng 3 năm 1974 sau một cơn đau tim tại nhà ga Penn, New York. Vào thời điểm đó, ông được mệnh danh là kiến trúc sư vĩ đại nhất của nước Mỹ còn sống.

2. Phong cách kiến trúc của Louis Kahn

Kahn tại văn phòng làm việc

Louis Kahn được đánh giá là bậc thầy về sử dụng ánh sáng trong kiến trúc. Ông cho rằng bóng đổ thuộc về ánh sáng, bóng đổ là 1 phần tự nhiên của ánh sáng. Ánh sáng tạo nên vật liệu, ta nhận biết vật liệu nhờ ánh sáng và  bóng đổ của nó.

Kahn và bảo tàng Kimbell

Không bao giờ để không gian tối hoàn toàn, ngay cả 1 không gian dự định là tối cũng nên có một nguồn sáng nhỏ để chúng ta thực sự biết nó tối như thế nào.

Giải pháp hắt sáng tự nhiên nhờ gương ở bảo tàng Kimbell

Nguồn ánh sáng nên được ẩn dấu để ta bị cuốn hút vào hiệu ứng của nó (ánh sáng hắt). Khi nghiên cứu về kiến trúc Hy lạp những năm 1950, ông nói: Kiến trúc Hy lạp dạy tôi rằng cột là nơi không có ánh sáng và không gian giữa 2 cột là nơi có ánh sáng. Nhịp điệu giữa các cột là không ánh sáng, có ánh sáng, không ánh sáng, có ánh sáng: người nghệ sĩ sáng tạo ra nó thật tuyệt vời.

Nhà thờ Unitarian với nguồn sáng tự nhiên vào không gian chính giữa

 Ông thực sự tài tình trong cách xử lý bố cục khối và ánh sáng. Đối với người khác ánh sáng là để chiếu sáng không gian, còn đối với ông, ánh sáng tạo nên không gian. Ông nghiên cứu rất kỹ sự tương tác giữa khối và ánh sáng, để tạo nên những không gian hấp dẫn, cuốn hút. Sự tài tình của ông còn thể hiện trong việc tạo ra những khung nhìn hấp dẫn cả trong nội thất và ngoại thất.

Ánh sáng mặt trời không biết bản thân mình tuyệt vời như thế nào cho đến khi nó chạm vào bề mặt của công trình

Kahn

Khi thiết kế ông luôn khai thác được cảnh quan xung quanh địa điểm công trình, kết nối cảnh quan vào không gian tổng thể chung của của công trình. Chúng ta có cảm giác như ông đã truyền tải được “tinh thần” của kiến trúc cổ đại vào các tác phẩm của mình. Không gian của ông mang tính “linh thiêng”, lắng đọng, rất đặc biệt nhờ vào việc tìm được sự “hợp nhất” giữa kết cấu, vật liệu và ánh sáng, cảnh quan.

Công viên Roosevelt, khánh thành 40 năm sau ngày mất của Kahn
Tòa nhà Quốc hội Bangladesh
Tòa nhà Quốc hội Bangladesh

Tạo ra những khung nhìn hấp dẫn cả trong nội thất và ngoại thất. Không gian của ông mang tính “linh thiêng”, lắng đọng, rất đặc biệt nhờ vào việc tìm được sự “hợp nhất” giữa kết cấu, vật liệu và ánh sáng, cảnh quan.

Nhà thờ Unitarian

Ông được xếp vào trường phái kiến trúc Chủ nghĩa Thô mộc. Công trình của Louis Kahn thường thường có khối tích lớn, nguyên khối, hầu hết các tòa nhà nặng nề của ông không che giấu trọng lượng, tạo nên sự thống nhất tổng thể dựa trên tổ hợp nhịp điệu của các khối nhỏ, không gian hoành tráng nhưng lắng đọng & tưởng niệm.

Trung tâm nghệ thuật Anh của đại học Yale

Vật liệu thường thể hiện chất cảm thô mộc của bê tông trần, gỗ, kính,  phô diễn vẻ đẹp tự thân của kết cấu, vật liệu, hệ thống kỹ thuật để trần 1 cách có dụng ý. Ví dụ có thể thấy ở công trình Trung tâm nghệ thuật Anh đại học Yale với hình khối kỷ hà, giàu sức truyền cảm cùng sự tương phải của vật liệu, và giải pháp kết nối không gian theo hệ lưới 3 chiều mạch lạc, kết hợp hệ pano gỗ xử lý thủ công, thể hiện dấu ấn nền tảng đào tạo Beaux-Arts của Kahn.

Trung tâm nghệ thuật Anh – Đại học Yale
Viện nghiên cứu sinh học Salk

Louis Kahn rất coi trọng việc xử lý công năng, mặt bằng. Ông là người đưa ra luận điểm “không gian phục vụ” (servant space) và “không gian được phục vụ” (served space). Đó là sự gộp lại và phân chia không gian theo chủng loại. Những không gian chứa thang, WC, hệ đường ống kỹ thuật, kho… tập hợp lại thành “servant space”. Tương tác với chúng là những không gian chính “served space”. Thực ra đây là một sự chuyển hóa rất sâu sắc từ kiến trúc cổ điển sang hiện đại. Nguyên lý này ông tiếp thu được từ những lâu đài cổ ở đất nước Scotland, Pháp khi mà không gian chính được bao quanh bởi các bức tường dầy, mà bên trong độ dầy của những bức tường này ẩn chứa những “servant space”. Mặc dù công trình của ông được ca ngợi bởi không gian thơ mộng, trữ tình, nhưng ông rất quan tâm đến vấn đề kỹ thuật của tòa nhà mà nhờ đó vấn đề kỹ thuật được cải tiến và được xử lí rất tinh tế.

Kahn và mô hình thành phố Tháp.

Phong cách của ông trực tiếp giảng dạy và những kiến trúc sư nổi tiếng của kiến trúc thế giới như Robert Venturi, Jack Diamond, Charles Dagit, Moshe Safdie, Muzharul. Một số công trình của ông, đặc biệt là dự án thành phố Tháp – mặc dù không được xây dựng nhưng có ảnh hưởng đến các kiến trúc sư High-Tech sau này như Renzo Piano, Richard Rogers và Norman Foster. Kiến trúc sư Nhật Tadao Ando chịu ảnh hưởng của Kahn về giải pháp sử dụng ánh sáng.

KTS nổi tiếng Le Corbusier từng nói: Hiện đại không chỉ mang tính nhất thời, mà nó là điều kiện cần thiết cho sự tồn tại. Cần phải có sự hiểu biết về lịch sử, người hiểu biết lịch sử sẽ tìm ra sự liên tục giữa những thứ đã có, những thứ đang có, và những thứ sẽ có. Louis Kahn chính là một trong những trường hợp như thế.

3. Một số công trình tiêu biểu

a. Tòa nhà trưng bày nghệ thuật Đại học Yale, Connecticut, Mỹ.

Trần bê tông thô mộc với mạng lưới tam giác gây ấn tượng tạo hình
Mặt bằng công trình và mặt bằng trần

Louis Kahn gia nhập khoa Kiến trúc, đại học Yale vào năm 1947. Trưởng khoa là kiến trúc sư chuyên thiết kế nhà cao tầng George Howe cùng những KTS hiện đại nổi tiếng như Kahn, Philip Johnson và Josef Albers làm giảng viên. Những năm sau chiến tranh, trường Yale đã có xu hướng từ bỏ phong cách Beaux-Art và  hướng tới tiên phong trong thiết kế hiện đại. Vì vậy, khi hợp nhất các khoa nghệ thuật, kiến trúc và lịch sử nghệ thuật của trường đại học trong một tòa nhà mới, một cấu trúc hiện đại là lựa chọn khách quan. Hoàn thành vào năm 1953, Tòa nhà trưng bày nghệ thuật đại học Yale của Louis Kahn gồm phòng trưng bày, lớp học và không gian văn phòng linh hoạt cho sự thay đổi của trường. 

Mặt đứng đơn giản với gạch trần gợi nên những tàn tích của La Mã xưa

Một lõi kỹ thuật, mà được Kahn gọi là không gian phục vụ nằm giữa, để phục vụ cho không gian chính là các phòng trưng bày, phòng học. Cấu trúc không gian phục vụ và không gian được phục vụ, được Kahn ứng dụng từ các lâu đài thời trung cổ của châu Âu, các bức tường thành dày che dấu bên trong các phòng phục vụ hỗ trợ cho lâu đài.

Hệ giàn phẳng bê tông tích hợp hệ thống kĩ thuật đèn chiếu

Lấy cảm hứng tinh tế từ phòng trưng bày tân Gothic thế kỷ XIX nằm kế bên công trình, ông tạo hệ đèn chiếu quanh các các diện của trần bê tông với mạng lưới tam giác, ánh sáng mềm mại phát ra gợi lên hình ảnh một thánh đường.

Nghệ thuật dùng nguồn ánh sáng hắt của Louis Kahn trong cả ánh sáng tự nhiên và nhân tạo. 

Cầu thang trung tâm trông như một chiếc xi lanh bê tông, tuy nhiên, trên trần của cầu thang, một hình tam giác bê tông được bao quanh bởi một vòng tròn cửa sổ gợi lên hình ảnh trần nhà thờ Hagia Sophia ở Thổ Nhĩ Kỳ. Là một bậc thầy về sử dụng ánh sáng cả tự nhiên lẫn nhân tạo, Kahn đã thổi hồn vào không gian kiến trúc mà ông thiết kế. 

Một trong những sinh viên thường lui tới công trình đánh giá : vẻ đẹp của công trình không xuất hiện ngay từ cái nhìn đầu tiên mà chỉ xuất hiện sau thời gian ở trong đó.

b. Trung tâm Y học Richard, đại học Pennsylvania, (1957–1965).

Công trình là sự tổ hợp những tháp có mặt bằng hình vuông, phô diễn vẻ đẹp của khối nhưng vẫn tạo sự thống nhất tổng thể nhờ nhịp điệu lặp lại của các tháp này. Công trình nổi bật với vật liệu thô mộc, Bê tông, gạch, kính, sự duy lý của kết cấu.

Mặt bằng và mô hình sơ đồ kết cấu khung của công trình

Ở mặt bằng ông cũng phân chia rõ giữa không gian “phục vụ” và ” được phục vụ”. Các không gian của phục vụ (cầu thang, thang máy, hệ thống thông gió, và đường ống kỹ thuật) được bố trí tách biệt với các không gian được phục vụ (phòng thí nghiệm và văn phòng).

Không gian làm việc ngập tràn ánh sáng (nguồn BBA)

Các tòa nhà phòng thí nghiệm đã được thiết kế theo cách này trong nhiều thập kỷ, nhưng trong công trình của Kahn, phòng thí nghiệp đã trở thành nơi ngập tràn ánh sáng. Chất cảm thô mộc của bê tông trần, gỗ, kính, phô diễn vẻ đẹp tự thân của kết cấu, vật liệu, hệ thống kỹ thuật để trần 1 cách có dụng ý.

Sự thay đổi tiết diện của dầm consol đỡ các khối ở trên thể hiện tính duy lý trong kiến trúc

Kahn cho rằng, nơi làm việc của các nhà khoa học không nên là những phòng thí nghiệm khép kín, mất đi khả năng chiếu sáng. Kahn nâng tính năng thực tế này thành một nguyên tắc kiến trúc. Thay vì để lõi thang máy ở chính giữa, sẽ cản trở giao thông và độ “hoành tráng” của không gian. Kahn dịch chuyển các lõi kĩ thuật này ra bên ngoài. Vì vậy mỗi tổng thể cả công trình được bố cục thành các module rời, tạo ra sự “đóng-mở” không gian, mỗi phòng có tầm nhìn mở rộng cả về bốn hướng.

Sơ đồ kết cấu lắp ghép của sàn dạng giàn không gian bê tông với không gian rỗng dành cho hệ thống kỹ thuật (servant space)

Trần cũng được lặp lại theo các lưới modul, tương tự như nhà triển lãm, được thiết kế dạng hệ giàn bê tông để chạy hệ thống kĩ thuật. Tuy nhiên, chính Kahn cũng phải thừa nhận giải pháp này quá phức tạp trong thi công

c. Viện nghiên cứu sinh học Salk, 1959, California

Trục tổ hợp đối xứng tạo cảm giác thiêng liêng, trang trọng

Năm 1959, thành phố San Diego, California đã tặng Jonas Salk- người tìm ra vắc-xin cho bệnh bại liệt một địa điểm đẹp như tranh vẽ ở La Jolla dọc bờ biển Thái Bình Dương, để xây dựng một trung tâm nghiên cứu sinh học. Ông đã mời KTS Louis Kahn thiết kế. Mặc dù là một công trình thuần tuý khoa học, nhưng giải pháp thiết kế của Kahn đem lại cảm giác linh thiêng cho tổng thể, biến công trình thành một ngôi đền gần gũi với tự nhiên, “một ngôi đền của khoa học”.

Mặt bằng công trình với phần không gian lớn là các phòng thí nghiệm ở giữa, hai bên là các không gian phục vụ và không gian văn phòng.

Tổ chức mặt bằng công trình đơn giản, đường nét rõ ràng, phân khu chức năng chính và chức năng phục vụ. Hình khối thống nhất được tạo nên từ nhịp điệu của những khối nhà. Sử dụng khối hộp lớn, diện lớn, tuyến hình học rõ ràng, chất cảm vật liệu thô mộc của bê tông trần và gỗ.

Bố cục cân xứng, các khối nhà đều có tầm nhìn ra cảnh quan đẹp, sân giữa 2 khối nhà tạo thành khung hình mở ra tầm nhìn ra Thái Bình Dương, tuyến nước nhỏ giữa sân dùng làm công cụ kéo không gian bên ngoài vào tạo nên sự liên kết với không gian bao la bên ngoài. Tất cả nghệ thuật xử lí không gian, công trình với cảnh quan của Louis Kahn rất tinh tế. Bên trong mỗi khối nhà, ông luôn tổ chức ánh sáng tự nhiên len lỏi vào trong, căn phòng được tiếp xúc ánh sáng tự nhiên tối đa.

Mặt cắt cho thấy giải pháp kỹ thuật trần tương tự như ở Trung tâm Y tế đại học Penslyvania

Giải pháp phân tách giữa không gian phục vụ (trần) và không gian được phục vụ (phòng thí nghiệm) cho phép việc sửa chữa hệ thống kỹ thuật không làm ngắt đoạn hoạt động của công trình. Hệ thống mặt đứng bằng gỗ teak rất linh hoạt, có thể tháo dỡ nhanh gọn để vận chuyển các thiết bị thí nghiệm kích thước lớn một cách dễ dàng. Bên cạnh đó, một hệ thống dầm chịu lực khổng lồ chạy viền xung quanh không gian thí nghiệm, cho phép biến đổi linh hoạt chức năng của phòng thí nghiệm theo những dây chuyền công nghệ khác nhau cũng như sự liên kết của các labo thí nghiệm. Ngoài ra, các không gian làm việc riêng tư của các nhà khoa học được đưa ra bên ngoài, tạo thành các “không gian phục vụ” của “không gian thí nghiệm chính”. Tất cả những điều trên được Kahn rút kinh nghiệm từ thiết kế của Trung tâm Y học đại học Penslyvania.

Sự kết hợp của gỗ tự nhiên và bê tông cho thấy khả năng sử dụng vật liệu tài tình

d. Tòa nhà Quốc hội Bangladesh, ở thủ đô Dhaka.

Được Louis Kahn thiết kế và là một trong những tòa nhà quốc hội lớn nhất trên thế giới. Được xây dựng vào năm 1964 nhưng đến 1982 mới hoàn thành.

Đầu tiên, KTS Bangladesh Muzharul Islam được chính phủ Bangladesh trao cho thiết kế tòa nhà quốc hội. Nhưng ông đã mời thầy của mình tại đại học Yale là Louis Kahn để thực hiện dự án – một công trình có nhiều ý nghĩa với quốc gia non trẻ giai đoạn hậu thuộc địa này, còn Muzharul Islam đã hỗ trợ Kahn tại dự án.

Louis Kahn chuyển hóa tinh thần nơi chốn thông qua văn hóa địa phương và khí hậu, vị trí của khu đất, trừu tượng hóa và biến đổi, theo ngôn ngữ kiến trúc Hiện đại. Louis Kahn đã thiết kế toàn bộ khu phức hợp gồm văn phòng, khách sạn, nhà họp Quốc hội, nhà hàng, sân cỏ, hồ nước và khu nhà ở cho các thành viên của Quốc hội.

Tổ hợp công trình hiện lên hùng vĩ, đồ sộ giữa không gian mênh mông rộng lớn.

Tòa nhà hội nằm như một thực thể đồ sộ trong sa mạc của người Bengal, có hồ nhân tạo bao quanh hoạt động như một hệ thống làm mát tự nhiên ứng phó với khí hậu nóng cũng như tạo ra không gian hùng vĩ và ánh sáng thú vị. Trung tâm của tòa nhà là phòng họp Quốc hội hình tròn 300 chỗ ngồi, cao 30 mét và thư viện. Những không gian này xen kẽ giữa tám “sân ánh sáng và không khí” và một nhà hàng, cũng như lối vào khu vườn và nhà thờ Hồi giáo. Toàn bộ khối nhà được bộc lộ bằng những tấm bê tông trần được khảm bằng các dải đá cẩm thạch trắng.

Tổ hợp công trình hiện lên hùng vĩ, đồ sộ giữa không gian mênh mông rộng lớn, nghệ thuật tạo hình khối lớn, hình lớn, thống nhất và biến hóa, kiến trúc với ánh sáng & thiên nhiên.

Trần phòng họp chính

Trong phòng họp Quốc hội, tôi đã đưa vào một yếu tố truyền dẫn ánh sáng cho nội thất trong mặt bằng. Nếu bạn thấy một loạt các cột, bạn có thể nói rằng sự lựa chọn những cây cột là một lựa chọn trong ánh sáng. Các cây cột như khối đặc định hình các không gian ánh sáng. Bây giờ hãy nghĩ ngược lại và hãy nghĩ rằng các cột là rỗng và lớn hơn nhiều và rằng các bức tường của nó tự bản thân có thể phát sáng, sau đó các không gian rỗng là các phòng, và các cột là đối tượng tạo ra ánh sáng và và những hình thể phức tạp và trở thành đối tượng hỗ trợ cho không gian và cung cấp ánh sáng cho không gian. Tôi đang làm việc để phát triển yếu tố này để đến mức nó trở thành một thực thể thơ mộng có vẻ đẹp riêng vượt ra bên ngoài vị trí của nó trong bố cục. Theo cách này, nó trở nên tương đồng với cây cột khối đặc mà tôi đã đề cập ở trên như một đối tượng tạo ra nguồn sáng. Đó không phải là niềm tin, không phải là thiết kế, không phải là hình mẫu, mà bản thể từ đó cả một tổ chức có thể hiện ra.

Louis Kahn khi nói về nhà quốc hội Bangladesh
Phòng họp chính

Ban giám khảo cho rằng kiến ​​trúc sư đã tạo ra một tòa nhà “Thể hiện được cả nguồn gốc hình thức, thẩm mỹ và công nghệ, nó thuộc về nơi này và không thể ở nơi nào khác.”

Các hình học trên các diện khác nhau của mặt đứng tác động mạnh mẽ đến bố cục tổng thể của tòa nhà. Đây là các hình học trừu tượng được tìm thấy trong văn hóa Bangali truyền thống nhằm tạo ra sự kết nối của bản sắc văn hóa cũ và mới. Cũng như lấy sáng vào trong công trình, kiểm soát vi khí hậu bên trong. Đối với Kahn, ánh sáng không chỉ là để chiếu sáng một không gian, mà là ánh sáng tạo ra không gian.

Ánh sáng và khung nhìn. Việc sử dụng ánh sáng hiệu quả & thẩm mỹ là một khả năng kiến ​​trúc mạnh mẽ của Louis Kahn.

e. Thư viện Exeter, Học viện Phillips, 1972

Theo yêu cầu của nhà trường, toà nhà phải sử dụng gạch trần để phù hơp với tổng thể công trình. Từ đó, Kahn đã sử dụng khối lập phương, một cơ bản mạnh mẽ kết hợp với chất cảm thô mộc của gạch.

Mặt bằng tầng 2 với phần lõi thông tầng ở giữa, xung quanh là hệ thống giá sách.

Theo Kahn, thư viện không chỉ đơn giản là nơi chứa sách, đó phải là một phòng thí nghiệm hiện đại của thực nghiệm và nghiên cứu. một chốn tĩnh tâm để học tập và là một trung tâm trí thức của cộng đồng. Từ đó, giải pháp thiết kế được dựa trên một ý tưởng rất đơn giản. Người đọc tự dẫn dắt mình tìm cuốn sách mà cần đọc, sau đó ra ngồi cạnh cửa sổ có ánh sáng bên ngoài ngồi đọc.

Mặt cắt công trình

Không gian chứa sách đặt ở chính giữa, tách biệt với lớp vỏ công trình bằng phần giao thông và không gian đọc ở sát bên ngoài. Bên cạnh đó, do sự đồng nhất về mặt đứng, giải pháp không gian trung gian này tạo ra hiệu ứng ánh sáng tự nhiên giống như hang động tại tất kì thời điểm nào trong ngày.

Phần không gian đệm giữa lõi chứa sách và không gian bên ngoài

Ngay khi bước chân vào thư viện, người sử dụng đã nhận thấy được sự linh hoạt và mối liên hệ của các không gian học tập và giao thông.

Sự kết hợp giữa của sổ và hệ thống giá sách.
Thông tầng với vẻ đẹp hoành trang kỷ hà của hình học

Lõi không gian thông tầng ở giữa cùng bốn vòng tròn lớn là một gợi ý đến giải pháp không gian hoành tráng KTS người Pháp Boullée. Bên cạnh đó, vật liệu gỗ tạo sự tương phản mạnh mẽ với bê tông trần.

KTS. Vũ Thị Ngọc Anh

Bộ môn Lý thuyết và Lịch sử Kiến trúc, Đại học Xây dựng Hà nội.

Tài liệu tham khảo

  • Bài viết Spotlight: Louis Kahn, Archdaily.com
  • Bài viết Louis Kahn, trang Britannica.com
  • Bài viết Louis Kahn: the Brick whisperer, trang theguardian.com
  • Bài viết: The Analysis of Louis Kahn, Salk Institute by Means of a Critical Analysis Grid. Tác giả: Lejla Kargíc, University of Travnik, Bosnia and Herzegovina.
  • Wikipedia.org
  • Ashui.com, chiếu phim “ My Architect”  về Louis Kahn.

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

%d bloggers like this: