
“Cuba sẽ được xem như có học viện nghệ thuật đẹp nhẩt thế giới” Fidel Castro (1961)
Trường nghệ thuật Quốc gia Cuba, xuất phát từ ý tưởng của Fidel Castro và Che Guevara năm 1961, có lẽ được xem như thành tựu kiến trúc lớn nhất của cuộc cách mạng Cuban. Thiết kế sáng tạo của nhà trường, với mục đích truyền bá các kỹ năng văn hóa cho quốc gia, chứa đựng những viễn kiến không tưởng, triệt để của cuộc cách mạng (Cuba). Thật không may, lý tưởng nhiệt tình vì tổ quốc chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn và ngôi trường nhanh chóng bị bỏ rơi ra khỏi sự quan tâm; ngôi trường bị bỏ hoang, thậm chí trước khi nó được hòan thành. Hôm nay, sau gần bốn thập kỷ quên lãng, các kiến trúc sư đã quay lại và cố gắng mang ngôi trường bị bỏ hoang trở lại với vinh quang như dự tính ban đầu.

Trường Nghệ thuật Quốc gia được xây dựng trên cơ sở của một câu lạc bộ nổi tiếng tại Havana, xem như được chuyển đổi từ một biểu tượng của sự giàu có và tư bản thành một cơ sở giáo dục miễn phí. Castro ủy nhiệm cho kiến trúc sư Cuba Ricardo Porro, một người theo chủ nghĩa hiện đại Mỹ Latinh, cùng với hai kiến trúc sư người Ý, Vittorio Garatti và Roberto Gottardi; bộ ba này chỉ có hai tháng để đưa ra một thiết kế cho ngôi trường.

Các kiến trúc sư được định hướng bằng ba nguyên tắt cơ bản; thứ nhất gắn bó chặt chẽ ngôi trường vào các đặc điểm đa dạng, hoang dã của cảnh quan địa hình; thứ hai, sử dụng gạch địa phương và ngói đất nung, các lọai vật liệu mà, do sự cấm vận của Mỹ đối với Cuba, rẻ hơn nhiều so với các vật liệu nhập khẩu như thép và xi măng; thứ ba, sử dụng vòm thấp (Catalan vault) là yếu tố kiến trúc chủ đạo, cũng như đặc điểm không gian độc đáo của nó cho phép hình thành một sự tương phản đậm nét với những kiến trúc mang tính hình học, “đường nét tư bản” của Phong cách (kiến trúc) quốc tế

Tổng cộng có năm ngôi trường được xây dựng: múa hiện đại, nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật sân khấu, âm nhạc và múa ba lê. Tất cả cùng được chia sẻ một quan điểm về vật liệu và kết cấu, tuy nhiên, mỗi ngôi trường trình bày một cách biến tấu khác nhau của địa hình và phản ánh nội dung công năng cụ thể (specific program) của nó. Trường âm nhạc của Garatti là một cấu trúc uốn khúc 330 mét, chạy theo đường viền của dòng sông, và được bổ sung bằng các vòm thấp và hai phòng hòa nhạc và thực hành lớn. Một thiết kế khác của Garatti là trường Ballet, trong đó bao gồm một cụm các không gian vòm, bao bọc gạch đất nung, nối giữa các không gian là những con đường cuộn vào nhau trong bên trong khu tổ hợp.


Trường múa của Porro giới thiệu một bố cục năng động của những con đường không thẳng hàng chính tắc và các sân, hệ thống này xuất phát từ một quảng trường trung tâm, được che phủ bằng những mảng kính vụn xem như biểu tượng của sự đổ vỡ ngọan mục của chế độ cũ.

Porro sử dụng một cách tiếp cận khác đối với thiết kế của trường nghệ thuật tạo hình, lấy cảm hứng từ nguồn gốc Cuba-châu Phi của quốc gia và mang dáng vẻ một cấu trúc làng nguyên thủy đươc hình thành từ một loạt không gian hình bầu dục vơi đủ các kích cỡ khác nhau, liên kết với nhau bằng những hàng cột cong, tạo bóng đổ.

Trường nghệ thuật sân khấu, ngôi trường duy nhất được Roberto Gottard thiết kế, có một giảng đường chính trung tâm. Những lớp học theo kiểu tế bào chia ô, quay mặt vào trong tạo ra một môi trường độc đáo, kín đáo; tương phản với bên ngòai, chỉ duy nhất được làm nổi bật bằng những lối đi nhỏ như ngõ hẹp, không mái, mang lại cho ngôi trường cảm giác như pháo đài.

Sự nhiệt tình dành cho khởi đầu của ngôi trường bắt đầu xấu đi với cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962. Ngôi trường dường vượt ra khỏi quy mô của cuộc Cách mạng: một sự sử dụng phù phiếm, thừa thãi các nguồn tài nguyên. Hơn nữa, đồng minh mới của Cuba, liên bang cộng sản Sô viết, ngầm ưa thích một thứ kiến trúc thực dụng, mang tính công năng, điều mà tương phản mạnh mẽ với các thiết kế gợi cảm từ hữu cơ, mang dấu ấn cá nhân, riêng biệt hóa theo bối cảnh địa hình của Porro, Gottard và Garatti. Ba kiến trúc sư bị cáo buộc truyền bá ý tưởng của chủ nghĩa biểu hiện cá nhân, chụp mũ bằng những nhãn hiệu như “tư sản”, chủ nghĩa tinh hoa văn hóa, và bị buộc phải rời khỏi đất nước.

Trong tháng 7 năm 1965, mặc dù nhiều hạng mục khác nhau của nhà trường đã hoàn tất, việc xây dựng bị ngừng hoàn toàn. Trong những năm sau đó, ngôi trường học trở thành một thiên đường cho dân lấn chiếm đất và những kẻ phá họai; gia súc và cỏ cây hoang hóa dã sớm phủ lên địa hình. Ngoài ra, những năm 1970, người ta bắt đầu điều chỉnh địa hình, xây dựng các khu ký túc xá bằng bê tông đúc sẵn cũng như đường giao thông và đường đi dạo, nhằm đáp ứng lại những nhu cầu thực tiễn vốn đã bị gián đọan bởi các thiết kế ban đầu.

Những thay đổi bắt đầu diễn ra vào năm 1999, khi kiến trúc sư và sử gia John Loomis người Mỹ xuất bản một cuốn sách có tựa đề “Cuộc cách mạng của những hình thức”, mang lại câu chuyện của ngôi trường bị lãng quên ở Cuba đến với sự quan tâm của quốc tế. Cùng năm đó ở Cuba, José Villa, chủ tịch của hội đồng quốc gia của ủy ban liên minh quốc gia nhà văn và nghệ sĩ Cuba, tuyên bố ngôi trường là công trình kiến trúc quan trọng nhất của cuộc cách mạng Cuba.

Cuối cùng, chính bản thân Castro cũng đã lưu ý đến việc này, và ông tuyên bố rằng đã đến lúc để khôi phục lại dự án yêu thích thời tuổi trẻ của mình. Việc hoàn thiện ngôi trường đã trở thành một nhiệm vụ quốc gia, chủ trì bởi chính bộ trưởng Bộ Văn hóa. Porro và Garatti đã được mời trở lại Havana, nơi họ cùng với Gottard trong một cuộc họp lịch sử, nơi mà họ thảo luận về những thách thức trong việc khôi phục những kiệt tác bị bỏ rơi của họ. Như một phần của bản kế hoạch, kiến trúc sư nổi tiếng thế giới Norman Foster đã được mời để thiết kế lại trường của Ballet, tuy nhiên, tính đến nay, chính phủ Cuba đã tạm dừng việc phục chế do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu gây nên.
Mario Coyula, kiến trúc sư chủ trì việc bảo tồn thành phố Havana, tuyên bố một cách khéo léo về dự án: “Trong hầu hết các trường hợp, công trình kiến trúc phải thích nghi với những nhu cầu của con người, nhưng trong trường hợp của các công trình ngọai lệ, con người cần phải thích nghi bản thân họ với kiến trúc.”
Kiến trúc sư: Ricardo Porro, Vittorio Garatti và Robert Gattardi
Vị trí: 134, Havana, Cuba
Năm xây dựng: 1961
———————-
- Tác giả: Gili Merin,
- Tạp chí Archdaily,
- Nguồn và ảnh tại đây
- Chuyển ngữ: Bộ môn Lý thuyết và Lịch sử Kiến trúc
Merin, Gili. “AD Classics: The National Art Schools of Cuba / Ricardo Porro, Vittorio Garatti, Roberto Gottardi” 12 Sep 2013. ArchDaily. Accessed 15 Sep 2013. <http://www.archdaily.com/427268>