Kiến trúc Đình làng Việt.

This slideshow requires JavaScript.

Hình ảnh Cây đa – Bến nước – Sân Đình đã ăn sâu vào tâm thức của người Việt từ hàng ngàn năm, một không gian bình dị gắn liền với đời sống sinh hoạt của cư dân miền nông nghiệp lúa nước. Không gian và Kiến trúc Đình làng là minh chứng cho tài nghệ xây dựng của ông cha ta, từ việc chọn địa điểm, quy hoạch hòa lẫn với thiên nhiên, dưới bóng mát rặng cây, soi bóng nước bên hồ, tận dụng hết ưu việt  tự nhiên cho đến hình thức kiến trúc, tỉ lệ, vật liệu, màu sắc phù hợp với thẩm mỹ, điều kiện xây dựng địa phương.

4
Đình làng Đình Bảng, Bắc Ninh 1700-1736 (Nguồn https://vi.wikipedia.org/wiki/Đình)

Có thể nói Đình làng công trình kiến trúc cổ truyền độc đáo của Việt Nam, bảo tồn khá trọn vẹn những đặc điểm nghệ thuật kiến trúc  độc đáo, tính dân tộc đậm đà sắc thái dân gian.

1.CHỨC NĂNG:

+ Đình làng là nơi thờ thành hoàng và cũng là trung tâm sinh hoạt cộng đồng của làng – 1 đơn vị cư trú của xã hội Việt nam trước Cách mạng tháng 8.

+ Ở Đình làng thường diễn ra các hoạt động: Phân chia công điền thổ, giải quyết tranh chấp, thu thuế, ăn khao…hội làng, biểu diễn  hát múa dân gian, rước lễ…

  1. LƯỢC SỬ:

Theo từ điển Hán Việt của Thiều Chửu, Trần Văn Chánh, Nguyễn Quốc Hùng.

Đình( ) là Cơ quan hành chính cấp cơ sở đời Tần, Hán, nhà Hán chia đất cứ mười dặm (khoảng 5km) là một đình, mười đình là một làng, nên người coi việc làng là đình trưởng , tức lí trưởng bây giờ.

Từ Đình này thuộc bộ Đầu, để phân biệt với từ Đình thuộc bộ khác, tuy đồng âm nhưng khác nghĩa.

Từ Đình này ghép 1 số từ khác như:

  • Quá nhai đình: Cái đình, bên đường làm nhà cho khách qua lại trọ .
  • Lương đình: Kiến trúc có mái nhưng không có tường chung quanh, thường cất ở vườn hoa hoặc bên đường, cho người ta ngắm cảnh hoặc nghỉ .
  • Vọng đình: Chòi canh gác dùng để quan sát tình hình quân địch.
5
Đình Tây Đằng, Ba vì, Hà tây, 1583 (Nguồn https://vi.wikipedia.org/wiki/Đình)

ĐÌNH LÀNG VIỆT: Theo một số tài liệu, Đình bắt nguồn là trạm dừng nghỉ chân của Vua quan từ thời Lý, sau đấy còn được treo các pháp lệnh vua ban thời Lê sơ, đến thời Trần thêm chức năng thờ cúng Phật, dần đần nó phát triển thành 1 loại hình kiến trúc công cộng dân gian để cho các hoạt động của làng xã vừa thờ cúng Thành hoàng.

+ Thế kỷ 16, thời Mạc đã gây dựng được nhiều Đình lớn như Đình Thụy Phiêu – Ba vì, Tây Đằng- Ba vì-Hà tây, Thổ hà, Lỗ Hạnh- Bắc giang.

+ Từ thời Lê trung Hưng thế kỷ 17, kiến trúc đình làng phát triển rầm rộ khắp các làng xã với sự đóng góp của quần chúng nhân dân và sáng tác tập thể. 1 số đình thời kỳ này như Đình Thổ tang- Vĩnh phúc, Đình Hương canh – Vĩnh phúc, Đình Hoàng Xá – Hà tây, Thổ hà , Phù lão…

6
Đình Thổ Tang, Vĩnh Phúc, thế kỉ 17 (https://vi.wikipedia.org/wiki/Đình)

+ Thế kỷ 18 – thời Lê mạt việc xây dựng đình làng  có giảm sút do hoàn cảnh xã hội nhưng vẫn xuất hiện những đình quy mô, trang trí tinh xảo như Đình Chu quyến , đình Đình Bảng- Bắc Ninh, Nhân lí- Hải Dương, Thạch lỗi – Hải Dương.

+ Thế kỷ 19, dưới thời vua Gia Long, cũng xây dựng 1 số đình lớn như Tam tảo- Hà bắc, An đông – Quảng ninh… nhưng về kiến trúc và điêu khắc đã giảm sút đi nhiều. Dưới thời vua Minh mạng thì chuyển sang kết cấu xây vôi gạch, ít dùng gỗ, chỉ có ở miền núi dùng gỗ chủ yếu.

7
ĐÌnh Lưu Khê, Quảng Ninh, 1882 (Nguồn https://vi.wikipedia.org/wiki/Đình)
  1. BỐ CỤC TỔNG THỂ

3.1 Vị trí, địa điểm:

Gắn liền với khu ở của dân làng, thuận đường nối với các ngõ, thôn, thế đất thoáng đãng, tuân theo nguyên tắc địa lý phong thủy, phía trước thoáng đãng nhìn ra sông nước, có hồ nước tự nhiên hoặc nhân tạo theo nguyên tắc “ Tụ thủy”.

9
Vị trí đình So (Nguôn https://mytour.vn/location/1662-dinh-so.html)

3.2 Bố cục, Các công trình thành phần của Đình Làng.

+ Đình có thể là 1 công trình độc lập hay 1 quần thể kiến trúc , cũng có khi kết hợp với chùa thờ Phật, đền miếu tạo thành 1 quần thể lớn.

+ Các công trình được Bố cục đối xứng qua trục chính chạy dài.

+ Phát triển qua nhiều thời kỳ. Thời sơ khai ban đầu chỉ có Đại đình hình chữ nhật và hồ bán nguyệt, sau đó phát triển quy mô hơn có nhiều thành phần hơn.

10
Mô hình phát triển đình dạng sơ khai (Nguồn Nguyễn Trường Giang, 2015)

+ Những Đình lớn quy mô đầy đủ gồm: Đại đình, hậu cung, Tiền tế, Tả vu hữu vu, ngoài ra có thể thêm các nhà phụ trợ.

+ Ngoài ra còn có Cổng và phía trước Đình làng thường có sân rộng, hồ nước , cây xanh…để có thể tập hợp đông người những ngày lễ hội…

Đại đình – hậu cung tạo thành 1 trục chính. 2 bên có thêm nhà Hữu, tả vu đối xứng 2 bên. Phía trước cửa Đại Đình thường có 2 trụ phía trước.

11
Mô hình phát triển đình quy mô đầy đủ (Nguồn Nguyễn Trường Giang, 2015)

Đại Đình: Là nơi hành lễ sinh hoạt công cộng, hành chính nên cần không gian và diện tích lớn, trang trọng, bề thế.

-Các Đại đình thường có 5,7 gian .

-Mái Đại đình có 2 dạng: Dạng 4 mái và dạng 2 mái , tường  xây bịt 2 trái ( loại này niên đại muộn hơn).

-Những Đình có niên đại sớm thường không có tường hay vách gỗ bao quanh.

-Đại đình ban đầu có dạng chữ Nhất, về sau hậu cung phát triển lùi phía sau tạo thành hình chữ Đinh, Công.

-Sàn thường có 3 mức cốt thể hiện sự phân cấp thứ hạng về ngôi thứ hay tuổi tác của làng thôn VN khi tế lễ hay hội hè… Cốt thấp nhất cách mặt đất khoảng 40-60 cm, có lẽ vì lí do cách ẩm.

12
Đình dạng bốn mái (trái) và dạng hai mái (phải). (Nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/Đình)
800px-Đình_Tràng
Đình Chu Quyến dạng 4 mái (Nguồn https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%C3%ACnh_Chu_Quy%E1%BA%BFn)
news_940881623a1a
Đình Bảng Môn, Hậu lộc, Thanh hóa (Nguồn Hữu Ngôn, http://vanhien.vn/news/bang-mon-dinh-nghe-thuat-kien-truc-va-cham-khac-40418)

Hậu cung

Là nơi thờ Thành hoàng làng, giữ các vật thiêng, không gian không lớn lắn nhưng kín đáo, trang nghiêm thường được đóng không cho mọi người vào.

104719baoxaydung_image001
Đình Tiền Lệ, Hoài Đức, Hà Nội (nguồn Kiều Nhung, http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/van-hoa-the-thao/net-kien-truc-co-doc-dao-cua-dinh-tien-le.html)

-Ban đầu thường nằm gian chính giữa, phía sau từ cột Cái và cột quân của Đình. Sau này phát triển thành dạng chuôi vồ, lùi ra sau Đại đình tạo thành chữ Đinh hoặc nối với Đại đình bằng 1 nhà cầu gọi là ống muống tạo thành hình chữ Công.

-Thành hoàng thường là nhân thần có công với làng hay địa phương như Lí bí, Triệu quang phục, Trần Hưng đạo hay 1 nhân vật theo truyền thuyết như Thánh Tản viên, hoặc có khi là ông tổ 1 dòng họ, 1 nghề thủ công truyền thống.

Phương đình (Tiền Tế):  Thường có kích thước và quy mô nhỏ hơn Đại đình, MB chữ nhật hay hình vuông và đa số không có cửa vách bao quanh. Phải đến cuối thế kỷ 17 mới xuất hiện nhà Tiền tế và xuất hiện nhiều vào thế kỷ 19.

18
Phương Đình làng Lệ Mật (Nguồn https://vi.wikipedia.org/wiki/Đình)

Tả vu, hữu vu :(Nhà hành lang bên trái và bên phải): Là không gian có mái che, không có tường bao xung quanh, nếu có cũng không cũng chỉ bao xung quanh, mặt chính để hở.

  1. KIẾN TRÚC, BỘ KHUNG KẾT CẤU GỖ CỦA ĐÌNH LÀNG

4.1. Kiến trúc:

+ Nhìn từ phía ngoài mái đình có tỉ lệ đồ sộ, chiếm 2/3 chiều cao CT, 4 góc xòe rộng, uốn lượn nhẹ nhàng, đặt trên hệ cột to khỏe, vững chắc.

20
Các bộ phận của đình (Nguồn tác giả tổng hợp trên tài liệu)

+ Bờ nóc hơi võng, có khi 2 đầu nhô cao vút ra ngoài như hình con thuyền lớn. Trên 2 đầu bờ nóc được đắp hình con Kìm Lạc long thủy quái, ở giữa bờ nóc hình lưỡng long chầu nguyệt (hình thức này sang thời Nguyễn mới thịnh hành), bờ chảy đắp các con xô Lân, phượng…kết hợp với đầu đao cong vút tạo nên những nét duyên dáng nhưng không kém phần khỏe khoắn cho Đình.

22
Đình Thổ Tang, Vĩnh phúc

+ Các cột thường để mộc, bào nhẵn, cũng có những Đình làng cột Cái được sơn son thiếp vàng, trang trí rồng mây.

4.2.Bộ Khung kết cấu gỗ Đình làng:

23
Các cấu kiện của đình (Nguồn tác giả tổng hợp dựa trên các tài liệu)

+ Hệ kết cấu gỗ, liên kết bằng mộng: Cột, xà, kẻ, bảy, bộ vì kèo Chồng giường hay giá chiêng, hoặc giá chiêng kết hợp chồng giường.

+ Không gian Đình lớn, Bộ Vì gồm 6 hàng cột lớn đứng thẳng trên các bệ đá bằng sức nặng của mái và các mối liên kết mà không cần móng.

+ Khoảng cách các cột xác định theo số lượng khoảng hoành. Kiểu Thượng tam -hạ tứ (trên 3 dưới 4 ), Thượng tứ – hạ ngũ, Thượng ngũ – hạ ngũ.

+ Vì nóc có hình tam giác cân đặt trên 2 cột cái, vì nách có hình tam giác vuông đặt trên cột cái và cột quân. Khoảng cách cách hoành qui ước là a, thì chiều cao b = 2/3a, đường xiên c hay còn gọi là khoảng chảy.

24
Nguồn Viện Bảo tồn di tích, 2017
25
Nguồn Viện Bảo tồn di tích, 2017
  • Tính đơn giản, thống nhất, tính điển hình và tính tiêu chuẩn thấy rõ trong bộ khung gỗ chịu lực của công trình.
  • Bộ khung kết cấu gỗ khớp nối bằng mộng cực kỳ linh hoạt, có thể tháo dỡ lắp ở vị trí mới.
26
Bộ vì nóc Giá Chiêng – chồng Rường này thường thấy từ thế kỷ 16 trở về trước (Nguồn Viện Bảo tồn di tích, 2017)
  1. ĐỀ TÀI TRANG TRÍ

+ Trang trí khéo léo và tinh tế, trang trí để làm đẹp các bộ phận cấu kiện chứ không trang trí thừa thãi, khéo léo lồng ghép yếu tố văn hóa, thiên nhiên, ước nguyện vào đề tài trang trí.

28
Trang trí cấu kiện đầu dư đỡ câu đầu được chạm hình rồng ở Đình làng Chu Quyến. Nguồn Viện Bảo tồn di tích, 2017

+ Nơi  tập  trung  các  tác  phẩm  điêu  khắc  độc  đáo, văn hóa dân gian. Đề  tài  thông  thường  là  long,  ly,  quy,  phượng  (tứ  linh)  hay thông,  mai, cúc, trúc  (tứ quý),  đặc biệt  là  hình  ảnh  về  hoạt cảnh dân  gian, những hình ảnh thân thuộc ở làng quê.

 + Các chủ đề dân gian, sinh hoạt làng quê được thể hiện theo quan niệm tạo hình dân gian giàu tính tượng trưng và ước lệ. Không quan tâm đến tỷ lệ cơ thể cân đối, miễn sao truyền được cái “thần” của nhân vật. Nhưng tổng thể tác phẩm lại là sự hài hoà cân đối hợp lý về mặt bố cục, hình khối, đường nét.

Ví dụ, chủ đề “Uống rượu” ở đình Ngọc Canh, Vĩnh phúc thể hiện một cuộc rượu với một tinh thần nho nhã.  Đường nét mềm mại, hình khối nhẹ nhàng. Chủ đề “Đánh Cờ” khéo tạo ra sự thay đổi giữa mảng nổi, mảng chìm giữa hình và nền, giữa đặc và rỗng một cách hợp lý tạo nên một bố cục thoáng nhưng rất chặc chẽ, rõ ràng. (Phạm Thị Chỉnh, 2013).

32
Chạm khắc ở Bảy, Hoa văn Đầu rồng từ thời Trần, ở Đình làng Tây Đằng. (Nguồn Viện Bảo tồn di tích, 2017)

Trong Đình làng Tây Đằng các bức chạm khắc mô tả sống động một quy trình khép kín cuộc sống của người Việt cổ, từ thủa sơ khai với hoạt động săn bắt, hái lượm, thuần hóa động vật hoang dã (hình tượng voi đi cày) đến cảnh đấu tranh chống giặc giã, sau đó đất nước thanh bình (hình ảnh người chồng ngồi chải tóc cho vợ dưới gốc cau), trai tráng luyện tập võ nghệ, nhân dân nô nức trong lễ hội đua thuyền đến cảnh cha mẹ, ông bà xum vầy, thầy đồ dạy học biểu tượng cho sự chăm lo tới thế hệ sau…

Sự tài tình của các bậc tiền nhân chính là ở chỗ toàn bộ hơn 1.300 chi tiết chạm khắc gỗ trong đình không hề trùng nhau một chi tiết nào và được bố trí rất hài hòa, không mang tính đối xứng như các chi tiết kiến trúc ở những ngôi đình khác…

Lời kết:

Đình Làng Việt thực sự là nơi lưu giữ tâm hồn người Việt và trí tuệ người Việt. Ngôi đình là một sự chuyển hóa và tái hiện lại trung thực thế giới quan của người nông dân Việt nam qua bao thế hệ. Đó là mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với cấu trúc xã hội làng xã Việt cổ đến cách ứng xử với môi trường tự nhiên, tất cả những khái niệm “vô hình” được “phiên dịch” và “tái hiện” trong bộ khung gỗ chắc chắn mà linh hoạt, trong cấu trúc không gian thoáng mở mà tầng bậc, trong chủ đề trang trí mộc mạc mà tinh tế.

Đình là một di sản phi vật thể và vật thể vô gía cần được lưu giữ và bảo tồn.

  • Tác giả: ThS.KTS Vũ thị Ngọc Anh.
  • Bộ môn Lý Thuyết và Lịch sử Kiến trúc, Đại học Xây dựng.

Tài liệu tham khảo:

  • Viện bảo tồn di tích, Kiến trúc Đình làng Việt qua tư liệu Viện Bảo tồn di tích (tập 1), NXB Văn hóa Dân tộc, 2017
  • Nguyễn Đình Toàn, Kiến trúc Việt Nam qua các triều đại, NXB Xây dựng, 2002.
  • Phạm Thị Chỉnh, Lịch Sử Mỹ Thuật Việt Nam, NXB Đại học Sư phạm, 2013

Leave a comment