Bạn ngưỡng mộ tài năng kiệt xuất của Le Corbusier, ngất ngây trước những đường cong biến hóa của Eero Saarinen hay Eric Mendelson, trầm trồ trước tầm nhìn kiến trúc thiên bẩm của Phillip Johnson ? Đó là những con người chủ đạo định hình nên kiến trúc hiện đại giữa thế kỉ 20. Tuy nhiên, bên cạnh đó, trong quãng đời của họ, có những thời điểm mà họ đã làm những việc khá là kì lạ, thậm kí là kinh khủng.
KTS Eero Saarinen là một tượng đài của thiết kế giữa thế kỉ 20 với những tác phẩm kinh điển như Cổng vòm Saint Louis, nhà máy General Motor, nhà thi đấu đại học Yale, cảng hàng không JFK, chiếc ghế tựa Tulip…Theo một tài liệu được giải mật gần đây được phóng viên Matt Novak tạp chí Gizmodo công bố, Saarinen đã âm thầm làm việc cho OSS, tiền thân của cơ quan tình báo Mỹ CIA. bên cạnh việc thiết kế và xây dựng các cơ sở quân sự, Saarinen còn liên quan đến việc thiết kế và chế tạo các loại vũ khí của OSS giai đoạn 1944. Mặc dù tài liệu giải mật không chỉ rõ loại vũ khí gì, nhưng nhiệm vụ chính của OSS trong thời gian này là phản gián và các điệp vụ phá hoại.
Chủ nhân của giải thưởng Pritzker KTS Phillip Johnson là người luôn nhìn ra được sự phát triển của các trào lưu kiến trúc khi nó còn đang còn sơ khởi; kiến trúc hiện đại, kiến trúc hậu hiện đại và kiến trúc giải tỏa kết cấu. Là một cộng sự xuất sắc của Mies Van Der Rohe, ông tạo nên những công trình kinh điển như tòa kính ở New Canaan, tòa nhà AT&T kèm theo đó là những bài lí luận phê bình có ảnh hưởng rất lớn đến các thế hệ sau. Ấy vậy mà ông lại là một trong số những fan hâm mộ cuồng nhiệt của phát xít Đức trong chiến tranh thế giới lần 2. Ông từng cố gắng lập một đảng Phát xít ở Mỹ, viết báo ủng hộ phong trào cực hữu, đi du lịch Ba lan khi Đức xâm lược Ba lan và tuyên bố “Bạn chỉ đơn giản là không thể không phấn khích về điều đó“!
KTS Đức gốc Do thái Erich Mendelsohn là một trong số những người tiên phong của kiến trúc Art Deco, kiến trúc Streamline và kiến trúc Biểu hiện những năm đầu thế kỉ 20. Trong số các công trình nổi tiếng của ông có thể kể đến cửa hàng bách hóa Schocken và đài thiên văn Einstein ở Đức, nhà máy dệt Cờ đỏ ở Saint Peterburg, Nga. Ông còn là người cùng với Walter Gropius và Mies Van Der Rohe lập nên phong trào Der Ring cổ vũ cho xu hướng kiến trúc hiện đại và chủ nghĩa công năng. Tuy nhiên, năm 1943, khi đang làm giáo sư thỉnh giảng của đại học California, ông cộng tác với không quân Mỹ để xây dựng ngôi làng Đức. Đây là các công trình nhà ở được xây dựng theo phương pháp, vật liệu kĩ thuật phổ thông, mô phỏng lại chính xác các khu công nhân nghèo ở thủ đô Berlin từ nhà cửa đến đồ nội thất, thậm chí cả đồ chơi trẻ con. Mục đích để không quân Mỹ thử nghiệm loại bom cháy sao cho đạt kết quả tốt nhất. Cùng thời điểm, người Mỹ cũng làm các ngôi làng Nhật bản để thử nghiệm.. Nhờ có Mendelsohn, kết quả thật mỹ mãn: các vụ cháy của Đức gần như không thể kiểm soát nổi, tốt hơn hẳn bên phía Nhật Bản, mặc dù bên Nhật dễ bắt lửa hơn.
Cuối cùng là KTS thiên tài Le Corbusier với vô vàn các công trình nổi tiếng vòng quanh thế giới. Tuy nhiên, tương tự Philip Johnson, ông là một người hâm mộ cuồng nhiệt chủ nghĩa Phát xít và đảng Quốc xã Đức. Năm 1934, ông đã chấp nhận lời mời của nhà độc tài Mussolini đến giảng dạy tại Rome. Ngay sau khi Italia sự xâm lược của Ethitopia, Le Corbusier đã đề nghị Mussolini về phương án thiết kế lại thành phố thuộc địa Addis Ababa theo quan điểm Thành phố tỏa sáng của mình với cái tên Africa Orientale Italiana (nước Ý Đông phi). Không chỉ có vậy, Le Corbusier còn tỏ ra rất xấu tính khi thường xuyên trở thành vị khách không mởi của nữ KTS Eileen Gray tại biệt thự E.1027. Năm 1938, trong một lần đến chơi ở E.1027 và Le Corbusier đã vẽ một lọat gồm 8 bức vẽ trên tường theo chủ đề tình dục khiến chủ nhân biệt thự nổi giận đến mức không thèm sử dụng tòa nhà do chính tay mình thiết kế. Điều thú vị, đó là những bức tranh tường đã cứu ngôi nhà sau này khỏi bị phá hủy khi nó được coi là tác phẩm có giá trị từ một thiên tài nghệ thuật, bất chấp thiết kế đầy tính sáng tạo của Eileen Gray. Câu chuyện về Le Corbusier và biệt thự E.1027 có thể xem ở đây.
Sau tất cả, những thiên tài kiến trúc cũng chỉ là những con người!
——————
Bộ môn Lý thuyết và lịch sử kiến trúc.
Tài liệu tham khảo: