Kiến trúc hiện đại xuất hiện tại Hà Nội từ khoảng 100 năm trước trong quá trình tiếp nhận văn hóa phương Tây của người Việt. Trải qua một thế kỷ biến chuyển từ chế độ thuộc địa đến chủ nghĩa xã hội và nền kinh tế thị trường, Hà Nội đã có được một kho tàng công trình kiến trúc hiện đại hòa trộn giữa những yếu tố bản địa với quốc tế tạo ra nét độc đáo riêng cho không gian đô thị.
- Bối cảnh xuất hiện của kiến trúc hiện đại tại Hà Nội.
Trước khi người Pháp đến Hà Nội, các vua nhà Nguyễn đã xây dựng tại đây một pháo đài kiểu phương Tây. Tuy vậy, những đoạn tường thành Vauban đó vẫn được người Việt coi như kiến trúc truyền thống nhờ các trang trí và cổng thành có vọng lâu kiểu Việt Nam. Chỉ dến khi trung tâm hành chính đầu tiên của người Pháp hình thành bên bờ sông Hồng và Hồ Gươm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 thì những công trình kiến trúc hiện đại mới bắt đầu thực sự hiện diện. Người Pháp đem đến công nghệ xây dựng, vật liệu cùng những quan niệm về công năng kiến trúc mới mẻ. Bên cạnh đó họ cũng áp đặt một nền giáo dục và truyền bá những quan niệm văn hóa phương Tây làm thay đổi dần lối sống cũng như cách xây dựng và sử dụng nhà cửa của người Việt Nam.
2. Kiến trúc hiện đại tại Hà Nội thời kỳ thuộc địa
2.1 Kiến trúc hiện đại Hà Nội trước năm 1920
Từ năm 1888 đến 1920, người Pháp tiến hành chương trình khai thác thuộc địa lần thứ nhất. Các công trình mới được xây dựng dọc theo khu vực đô thị hiện đại đầu tiên của Hà Nội kéo dài từ khu Nhượng địa bên sông Hông qua Hồ Gươm đến phía Tây thành Hà Nội. Giai đoạn này, những công trình của người Pháp không khác gì kiến trúc chính quốc. Có thể nói, họ nhập khẩu trực tiếp các phong cách kiến trúc của Pháp vào Hà Nội, từ phong cách địa phương Pháp, Tân cổ điển đến Art Nouveaux. Những công trình có tính hiện đại đáng chú ý là Nhà hát lớn, Dinh Thống sứ Bắc kỳ… với những mái sảnh Art Nouveaux bằng kim loại. Những kiến trúc sư quan trọng nhất có lẽ là Henri Vildieu và Aldophe Bussy.
Trong giai đoạn này, những biến chuyển về xã hội ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng cũng đánh dấu sự ra đời của những công trình kiến trúc hiện đại theo cách nhìn của người Việt. Đầu thế kỷ 20, giới trí thức cũ ở Việt Nam bắt đầu hướng ra nước ngoài tiếp nhận những giá trị mới mẻ, thoát ly tư tưởng truyền thống và nền giáo dục Nho giáo để tìm đường cứu nước. Các phong trào, tổ chức đổi mới văn hóa, giáo dục như Duy Tân, Đông Kinh nghĩa thục, Khai trí tiến đức đã tạo ra chuyển động trong nhận thức, lối sống của người dân. Quan điểm học hỏi văn minh phương Tây song song với giữ gìn phát triển bản sắc văn hóa dân tộc của những phong trào, tổ chức nói trên đã ảnh hưởng lên những công trình kiến trúc hiện đại đầu tiên của người Việt. Công trình tiêu biểu nhất là trụ sở hội Khai trí tiến đức ở Hà Nội, hoàn thành năm 1922. Tòa nhà này có hình thức kết hợp giữa tỷ lệ, hình khối, kỹ thuật xây dựng phương Tây với lối trang trí truyền thống Việt Nam. Nó có những công năng mới mẻ như phòng chơi Bi-a, sàn nhảy… . Mặt bằng công trình theo dạng hình quạt độc đáo, từ bỏ các tổ chức không gian đăng đối vuông góc truyền thống.
2.2 Kiến trúc hiện đại ở Hà Nội thời kỳ 1920-1945
Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, để khôi phục kinh tế, người Pháp thực hiện chương trình khai thác thuộc địa lần thứ 2. Trong bối cảnh đó, hoạt động xây dựng, mở rộng đô thị được đẩy mạnh. Kiến trúc sư ngôi sao Enest Hebrard đến Hà Nội năm 1923 để lãnh đạo công việc quy hoạch tại thuộc địa, nhưng ông lại tạo ra ảnh hưởng lớn hơn đối với kiến trúc Hà Nội khi phác họa ra phong cách Kiến trúc Đông dương. Giống như tòa nhà của hội Khai trí tiến đức, các ông trình của Hebrard phối hợp các yếu tố phương Đông và phương Tây. Những công trình do ông thiết kế như Sở Tài chính (nay là Bộ Ngoại giao), Bảo tàng Louis Fino (bảo tàng Lịch sử Việt Nam), không chỉ gần gũi về mặt thẩm mỹ mà còn phù hợp với khí hậu bản địa. Một phong cách kiến trúc mới là Art Deco cũng góp mặt tại Hà Nội trong khoảng thời gian này. Nhiều tòa nhà Art Deco trở thành điểm nhấn kiến trúc quan trọng trong thành phố như nhà in IDEO (1929), Ngân hàng Đông dương (1931), trụ sở công ty AVIAT.
Người Pháp cũng tăng cường đào tạo những trí thức, kỹ thuật viên bản địa trong đó có kiến trúc sư chuyên nghiệp để phục vụ chính quyền thuộc địa. Trường cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương được thành lập năm 1925, một năm sau, khoa Kiến trúc ra đời, bắt đầu quá trình sản sinh ra những kiến trúc sư Việt nam thế hệ đầu tiên. Kiến trúc sư Việt Nam bị hạn chế cơ hội phát triển phong cách cá nhân và hành nghề độc lập trước năm 1945. Phần nhiều trong số họ đóng vai trò trợ giúp kiến trúc sư Pháp trong các dự án xây dựng. Một số dũng cảm mở văn phòng thiết kế riêng nhưng cũng phải bằng lòng với những công trình nhỏ, chủ yếu là biệt thự cho giới thượng lưu người Việt. Hầu hết những công trình ở giai đoạn đầu của họ đều sử dụng ngôn ngữ hình học mới, chịu ảnh hưởng một phần của phong cách Art Deco và phong cách Kiến trúc Đông dương. Thấm thía vị thế công dân hạng hai và hoàn cảnh của đất nước, cuối những năm 30 đầu thập kỷ 40, các kiến trúc sư bản địa đã cố gắng vùng vẫy để thể hiện trách nhiệm xã hội và lòng yêu nước của mình. Họ tìm được sự cổ vũ từ các phong trào đấu tranh đòi độc lập và những quan điểm cấp tiến đang thịnh hành trong giới trí thức Việt đương thời như “phong trào Ánh sáng” của nhóm Tự lực văn đoàn, “Nghệ thuật vị nhân sinh” của nhóm nghệ sỹ cánh tả. Bên cạnh việc tìm tòi tinh thần dân tộc trong thiết kế như một sự phản kháng thế lực thực dân, đề cao văn hóa Việt Nam, một số kiến trúc sư còn đóng góp thực tế vào các phong trào xã hội bằng tác phẩm. Tiêu biểu là bộ ba kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện, Hoàng Như Tiếp, Nguyễn Gia Đức, những người mở văn phòng thiết kế bản xứ đầu tiên tại Hà Nội. Họ cũng là những người đầu tiên quan tâm đến thể loại nhà ở xã hôi tại Việt nam khi đưa ra mô hình” Nhà Ánh sáng” cho dân nghèo vào năm 1938 và được áp dụng thử nghiệm một phần.
3. Kiến trúc hiện đại Hà Nội sau năm 1945
3.1 Kiến trúc hiện đại Hà Nội 1945-1972
Ngày 2 tháng 9 năm 1945, chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Nền kiến trúc của nước Việt Nam mới cũng được khai sinh với hai tác phẩm gắn chặt với ngày cách mạng, đó là kỳ đài ở Sài Gòn và Lễ đài Độc lập ở Ba Đình, Hà Nội. Dù chỉ là những công trình tạm nhưng chúng đã ghi dấu ấn với ngôn ngữ hình học đơn giản, mới mẻ, phần nào báo hiệu cho con đường của kiến trúc Việt Nam hậu thuộc địa.
Người Pháp nhanh chóng quay trở lại trong năm 1946, nhiều người trong giới kiến trúc sư đang hành nghề ở Hà Nội rời bỏ đô thị gia nhập đội ngũ kháng chiến, một phần vào nam tìm kiếm cơ hội, số ít tiếp tục bám trụ thủ đô. Rất hiếm công trình mới có giá trị nghệ thuật đáng ghi nhận được xuất hiện ở Hà Nội trong thời kỳ này. Chiến tranh đã làm cho hoạt động xây dựng bị suy giảm.
Sau trận Điện Biên Phủ, 9 năm xung đột với người Pháp kết thúc, nhưng hòa bình vẫn chưa thực sự đến với người Việt Nam. Đất nước bị chia thành hai miền với hai hệ tư tưởng khác biệt. Ý thức đấu tranh để dành quyền tự quyết của dân tộc và thống nhất đất nước thoát khỏi những can thiệp từ bên ngoài đã trở thành nỗi ám ảnh trong tâm trí mỗi người Việt Nam trong đó có giới kiến trúc sư. Vì vậy, khác với các đồng nghiệp phương Tây đang say mê với ngôn ngữ phổ quát của chủ nghĩa hiện đại giữa thế kỷ 20, đội ngũ kiến trúc sư người Việt đương thời luôn muốn tìm đến những giải pháp mới mẻ nhưng trước hết phải biểu đạt được văn hóa Việt Nam. Thể hiện tính dân tộc trong sáng tác trở thành ý thức tự nhiên của các kiến trúc sư, quan điểm đó còn được hỗ trợ mạnh mẽ từ đường lối văn hóa của chính quyền.
Ngân sách xây dựng eo hẹp do nguồn lực kinh tế phải dành phần lớn cho chiến trường cùng với ảnh hưởng của các chiến dịch ném bom của không quân Mỹ khiến cho số lượng công trình lớn không nhiều. Đặc biệt khoảng thời gian từ năm 1965 đến 1972 người ta có cảm tưởng hầu như không có hoạt động xây dựng ở Hà Nôi. Xi măng, sắt thép, kính thiếu thốn, vật liệu chủ yếu là gạch làm hạn chế khả năng sáng tạo của các kiến trúc sư. Mặt khác nền kinh tế và chính trị tập trung cũng như việc ít giao lưu với văn hóa phương Tây khiến cho hình thức và thể loại công trình kiến trúc ở Hà Nội trước năm 1975 không phong phú.
Thế hệ kiến trúc sư xuất thân từ Cao đẳng Mỹ thuật Đông dương có tham gia kháng chiến chống Pháp tiếp tục đóng vai trò chính trong hoạt động sáng tác. Những gương mặt kiến trúc sư thực hành nổi bật thời gian này là Nguyễn Ngọc Chân, Nguyễn Văn Ninh. Không công trình tư nhân, không thị trường kiến trúc, chỉ có đơn đặt hàng từ nhà nước nên kiến trúc Hà Nội có tính thống nhất về phong cách rõ rệt. Tính cá nhân ít được bộc lộ. Trước năm 1972, phần lớn các công trình xây bằng gạch mang hình thức giản dị, chắc nặng với những cửa sổ nhỏ khá giống nhau do hạn chế về điều kiện kinh tế và kỹ thuật. Trang trí, tạo hình dựa vào việc xoay xở với các khối xây gạch, chi tiết đắp vữa và gạch lỗ hoa bằng đất nung hoặc xi măng. Ảnh hưởng của chính quyền rất rõ, những đặc điểm kiến trúc dân tộc được ưa chuộng để đưa vào công trình là kiểu bố cục đối xứng, hình thức mái đua và hàng hiên nhà truyền thống.
Ví dụ tiêu biểu nhất là Hội trường học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (1958, kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Chân), bảo tàng Việt Bắc (1962, kiến trúc sư Hoàng Như Tiếp). Lối tư duy theo định hướng từ trên xuống này thể hiện rõ nét ở công trình Lăng chủ tịch Hồ Chí Minh (1970). Công trình lớn hiếm hoi không nằm trong vòng ảnh hưởng này là Trường Đại học Bách khoa Hà Nội do các kiến trúc sư người Nga E.S Budnik và S.T Airapetov thiết kế, xây dựng từ năm 1961 đến 1965.
3.2 Kiến trúc hiện đại Hà Nôi giai đoạn 1973-1990
Năm 1973, hiệp định Paris được ký kết, hòa bình trở lại trên bầu trời miền Bắc Việt Nam, hoạt động xây dựng được khôi phục ở Hà Nôi. Lúc này, thế hệ kiến trúc sư mới được đào tạo trong nước và ở Đông Âu đã trưởng thành, có ảnh hưởng chính đến sự phát triển của kiến trúc Hà Nội. Họ cùng với một số ít kiến trúc sư nước ngoài thuộc khối xã hội chủ nghĩa tới Việt Nam làm chuyên gia đã đem đến những công trình chịu ảnh hưởng của phong cách Soviet, chủ nghĩa Hiện đại nhưng có nghiên cứu sâu về tính bản địa. Mặc dù các công trình theo phong cách này không còn tiếp tục được đánh giá cao, nhưng ở Hà Nội khi đó đã có một số tác phẩm rất hấp dẫn. Công trình xuất sắc nhất là Cung văn hóa Thiếu nhi (hoàn thành năm 1974, kiến trúc sư Lê Văn Lân). Một công trình đẹp khác là Khoa Quốc tế của Bệnh viện Bạch Mai (1986, nay là bệnh viện Hanoi France, kiến trúc sư Nguyễn Vũ Hưng). Cả hai công trình đều là những ví dụ thành công về bản địa hóa kiến trúc hiện đại. Vẻ đẹp của chúng đến từ tỷ lệ và đường nét đơn giản, nhẹ nhàng thanh thoát, tỷ lệ gần gũi, bộc lộ cấu trúc một cách thanh lịch và thiết kế phù hợp với khí hậu miền Bắc.
Giai đoạn này thể loại công trình rất phong phú: nhà ở, trường học, nhà văn hóa, rạp hát, bảo tàng, bệnh viện, cửa hàng bách hóa, khách sạn… dần dần mọc lên tuy quy mô còn khiêm tốn và tính thẩm mỹ chưa đồng đều. Nhà ở chung cư được ưu tiên xây dựng nhiều nhất nhưng chất lượng kiến trúc không được như mong đợi. Giới chuyên môn vật lộn với nhiều công nghệ xây dựng, từ kiểu thủ công đến lắp ghép cấu kiện nhỏ và lắp ghép tấm lớn mong đáp ứng nhu cầu khổng lồ của người dân. Loại nhà chung cư 4 đến 5 tầng được lựa chọn để phù hợp với hạ tầng đô thị chưa hoàn chỉnh. Kiểu dáng nhà khá buồn tẻ do mâu thuẫn giữa kinh phí đầu tư thấp và nhu cầu số lượng căn hộ quá cao. Giải pháp xây dựng lắp ghép trong điều kiện thiếu kinh nghiệm thiết kế, sản xuất cấu kiện tiền chế và khan hiếm công nhân có trình độ cao càng làm giảm chất lượng thẩm mỹ nghiêm trọng. Diện tích nhỏ của các căn hộ và cách phân phối nhà theo thang bậc lương khiến cho nhiều gia đình đông người không đủ không gian sinh hoạt gây ra hậu quả lâu dài về nạn lấn chiếm đất công và cơi nới bất hợp phát trong các khu tập thể đến tận đầu thế kỷ 21. Các khu dân cư mới có tên gọi chính thức là khu tập thể, thiết kế quy hoạch theo mô hình tiểu khu nhà ở của các nước xã hội chủ nghĩa có một số ưu điểm nhưng chỉ phù hợp với hệ thống kinh tế tập trung. Tuy có nhiều nhược điểm, nhưng ngày nay, các khu tập thể lại trở thành những khu dân cư rất sống động mang nét riêng của Hà Nội.
Không gian đô thị Hà Nôi giai đoạn 1972-1990 có thêm màu sắc mới lạ nhờ một số công trình lớn do các kiến trúc sư ngoại quốc thiết kế. Đó thường là những công trình được hỗ trợ kinh phí và kỹ thuật của nước ngoài như Khách sạn Thắng Lợi (1975, kiến trúc sư Quintana, Cu Ba), Cung văn hóa Hữu Nghị (1975- 1985, kiến trúc sư G.Isacovich), trường Đại học Ngoại ngữ thuộc Đại học quốc gia Hà Nội (1979- 1984, kiến trúc sư người Pháp), bảo tàng Hồ Chí Minh (1985-1989, kiến trúc sư G.Isacovich). Chúng có vẻ ngoài trội hơn hẳn các công trình khác ở Việt Nam đương thời nhờ thiết kế chau chuốt, chất lượng hoàn thiện tốt. Trong những công trình này, các kiến trúc sư nước ngoài đã cố gắng đưa những yếu tố xuất phát từ kiến trúc truyền thống Việt Nam vào công trình để phù hợp với văn hóa và khung cảnh địa phương.
3.3 Kiến trúc hiện đại Hà Nội sau năm 1990
Mặc dù chính sách đổi mới đựa ban hành vào năm 1986, tuy nhiên chỉ đến sau năm 1990, lĩnh vực xây dựng và kiến trúc mới có thay đổi rõ nét. Phải mất một thời gian để các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh phát triển đủ mạnh và để đất nước có thể hồi phục sau khủng hoảng tiền tệ trầm trọng năm 1985. Cũng vào đầu thập kỷ 90, những nguồn lực từ bên ngoài mới bắt đầu đổ vào Việt Nam sau các sự kiện rút quân khỏ Campuchia, bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc năm 1991, thoát khỏi cấm vận kinh tế của Mỹ năm 1994.
Hà Nội đón nhận sự bùng nổ về phong cách kiến trúc trong hai thập niên 90- 2000. Rất nhiều đặc điểm của các trường phái kiến trúc khác nhau trên thế giới đột ngột xuất hiện trên các công trình xây dựng thời kỳ đổi mới ở Việt Nam bên cạnh phong cách Soviet. Từ kiến trúc thuộc địa, cổ điển châu Âu, chủ nghĩa Hiện đại, phong cách Biểu hiện cho đến Hậu hiện đại và Hiện đại mới tất cả đều có mặt. Dường như lịch sử kiến trúc của 100 năm trước đó vụt tái hiện ở Hà Nội chỉ trong hai mươi năm. Tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa quá nhanh khiến cả nước như một công trường lớn. Kiến trúc sư thoải mái bộc lộ cá tính riêng nhưng việc khao khát thể hiện cá nhân quá đà sau nhiều năm bị kìm nén đã phần nào dẫn đến hỗn loạn. Chính sách xã hội hóa nguồn lực đầu tư xây dựng nhà ở trong bối cảnh ngành quy hoạch và thiết kế đô thị chưa sẵn sàng làm cho bộ mặt đô thị lộn xộn trầm trọng. Kinh tế thị trường giúp cho các kiến trúc sư có cơ hội hành nghề nhiều hơn, và tạo ra sự phân hóa về quan điểm sáng tác một cách rõ rệt so với thời trước. Các công trình kiến trúc ở Hà Nội lúc này dường như có thể chia thành 3 nhóm chính.
Một nhóm có vẻ ngoài “hiện đại” theo kịp thời trang kiến trúc đang thịnh hành trên thế giới. Những tác phẩm mở đầu có ảnh hưởng là trụ sở công ty Hamatco (1990, kiến trúc sư Vũ Hoàng Hạc), nhà ở UNDP (kiến trúc sư Nguyễn Khôi Nguyên).
Nhóm thứ hai là những công trình quay lại với ngôn ngữ từ thời thuộc địa trong cái khái niệm gọi là “kiến trúc Pháp cổ”. Những kiến trúc sư miền Nam đã “khai sáng” cho người Hà Nôi bằng những công trình kiểu này khi xây dựng trên đất thủ đô vào đầu thập kỷ 90. Tòa nhà số 1 phố Bà Triệu (kiến trúc sư Hoài Hương) và khách sạn Royal (kiến trúc sư Võ Thành Lân) là những ví dụ tiêu biểu.
Một nhóm khác, ít hơn, là những công trình có nhiều yếu tố lấy cảm hứng từ truyền thống. Những đại diện nổi bật của nhóm này là Nhà hát Chèo do kiến trúc sư Vũ Đại Hải thiết kế và những công trình bệnh viện Lão khoa, bệnh viện 198 của kiến trúc sư Nguyễn Vũ Hưng.
4 Những âu lo và hy vọng về tương lai
Những năm đầu thế kỷ 21, vai trò của kiến trúc sư người Việt bị suy giảm đang kể trong nền kiến trúc Việt Nam. Nhiều kiến trúc sư nước ngoài đổ vào Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Họ chiến thắng trong hầu hết các cuộc thi tuyển phương án kiến trúc quan trọng. Đây là làn sóng từ bên ngoài thứ ba tác động lên kiến trúc Hà Nội sau thời kỳ thuộc địa và thời kỳ Soviet. Kể từ sau khi nhà ga hàng không T1 Nội Bài được hoàn thành, không còn một công trình tầm cỡ quốc gia nào đã và đang xây dựng được chủ trì thiết kế bởi người Việt tại Hà Nội. Hiện nay, những tòa nhà mang tính biểu tượng quốc gia tại thủ đô như Trung tâm hội nghị Quốc gia, Nhà Quốc hội, bảo tàng Hà Nội… đều do người nước ngoài thiết kế. Hệ quả là kiến trúc Hà Nội đang phần nào bị định hình từ bên ngoài. Nguyên nhân một mặt do kiến trúc sư Việt Nam thiếu kinh nghiệm thiết kế các công trình phức tạp, quy mô lớn hoặc cao tầng cũng như thiếu hiểu biết về các công nghệ xây dựng, hệ thống kỹ thuật công trình tiên tiến trên thế giới sau nhiều năm đóng cửa và bị cấm vận. Mặt khác, tâm lý “sính ngoại” trong khách hàng người Việt cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến sự thu hẹp phạm vi hành nghề của kiến trúc sư bản địa.
Chật vật cạnh tranh với các kiến trúc sư nước ngoài ở các công trình lớn, các kiến trúc sư Việt Nam cũng như Hà Nội có nguy cơ trở lại vị trí của thế hệ tiền bối trước năm 1945 là phụ việc cho đồng nghiệp đến từ Âu, Mỹ, Nhật, Hoa, Hàn. Thật mỉa mai là một phần thực trạng này không đến từ kẻ thực dân như trước đây mà lại từ chính những người đồng bào đang háo hức với toàn cầu hóa. Rõ ràng, cuộc đấu tranh nghề nghiệp của giới kiến trúc sư Việt cũng như việc tìm kiếm bản sắc kiến trúc Việt Nam có thể phải bắt đầu lại giống như trước năm 1945. Nhưng lần này không phải để phản kháng chế độ thực dân mà nhằm tránh nguy cơ bị thôn tính dần về văn hóa. Tuy vậy, nó cũng tạo ra động lực để không ít kiến trúc sư bản địa trở về với những giá trị văn hóa dân tộc. Giống như cha ông đương đầu với sức mạnh kinh tế kỹ thuật của lực lương ngoại xâm bằng lòng yêu nước và chiến tranh nhân dân, nhiều kiến trúc sư Việt Nam hiện nay đã quay lại với vật liệu bản địa và cách xây dựng truyền thống, tái sinh chúng dưới hình thức mới nhằm cạnh tranh với làn sóng công nghệ cao nhập khẩu. Bên cạnh đó thế hệ trẻ sinh ra sau chiến tranh được đào tạo kiến trúc ở trong và ngoài nước cũng đang nỗ lực tích lũy kinh nghiệm, kiến thức tiên tiến, xây dựng nguồn lực để tìm được chỗ đứng trong thời kỳ toàn cầu hóa.
Tác giả: Trương Ngọc Lân, bộ môn Lý thuyết và Lịch sử Kiến trúc, Đại học Xây dựng.
Bài viết được trình bày tại Hội thảo quốc tế Kiến trúc hiện đại Đông Nam Á lần thứ 2 và được in trong “mASEANa project 2017, Pioneers of modern architecture – The report of mASEANa project 2016 2nd&3rd International conference”, tháng 3, 2017