Đã có thời điểm khi mà Paul Rudolph (1918–1997) từng là kiến trúc sư nổi tiếng nhất, nếu không phải ở tầm thế giới, thì ít nhất cũng là trong nước Mỹ. Là một trong những sứ giả hàng đầu của chủ nghĩa hiện đại “anh hùng”, ông là tác giả của một số công trình bằng bê tông sáng tạo và táo bạo nhất ở thập niên 1960. Những siêu sao kiến trúc hiện nay như Richard Rogers và Norman Foster đã từng đến đại học Yale làm học trò của ông. Nhưng sau một trận hỏa hoạn tàn phá Tòa nhà Kiến trúc và Nghệ thuật của Rudolph tại đại học Yale và nhiều trận bút chiến tấn công từ các nhà phê bình theo chủ nghĩa Hậu hiện đại, chuỗi các dự án của Rudolph, cũng như những hậu duệ người Mỹ của ông, dường như bốc hơi qua một đêm. Mặc dù phần lớn tác phẩm của Rudolph trong thời kỳ đầu ở Sarasota, Florida, và khi ông ở đỉnh cao sự nghiệp trong thập niên 60 đã được phục hồi và tái khám phá bởi những công chúng mới, những công việc sau này của ông – được tạm thời xác định là những công trình được hoàn thành trong khoảng từ năm 1970 cho đến khi ông mất vào năm 1997 – vẫn còn tương đối ít được biết đến.
Hai cuộc triển lãm được tổ chức bởi Quỹ di sản Paul Rudolph để kỉ niệm 100 năm ngày sinh của kiến trúc sư này để giải quyết góc khuất này. Trước tiên, triển lãm Paul Rudolph: Phòng thí nghiệm cá nhân (mở cửa từ ngày 18 tháng 11 năm 2018), trưng bày các mặt bằng, các bản phác thảo và các mô hình cho hai không gian ở của Rudolph, cả hai đều ở New York: căn hộ bốn tầng của ông ở Beekman Place và công trình Modulightor, được hoàn thành sau khi ông mất. Đặc biệt thú vị, các nhà giám tuyển đã tổ chức trưng bày những tài liệu trong công trình thứ 2 phức tạp, có nội thất chồng lớp, xen kẽ với bộ sưu tập cá nhân về mặt nạ, đồ vải và sách của kiến trúc sư.
Cuộc triển lãm thứ hai, Paul Rudolph: Hành trình Hồng Kông (29 tháng 11 năm 2018 – 2 tháng 3 năm 2019), sẽ được tổ chức tại Trung tâm Kiến trúc của New York và do Nora Leung, một kiến trúc sư ở Hồng Kông làm giám tuyển. Có lẽ vì chủ nghĩa hiện đại phải tranh đấu ở nội bộ bên trong nước Mỹ hơn là ở những nơi khác trên thế giới, hoặc giả vì những tham chiếu lịch sử của chủ nghĩa Hậu hiện đại dường vang vọng quá nhiều âm hưởng của phong cách thuộc địa, nên những thiết kế mang tính kỹ thuật và tính tối ưu của Rudolph vẫn phổ biến ở nước ngoài. Trong giai đoạn của sự nghiệp của ông phần lớn dịch chuyển ra nước ngoài, với việc xây dựng một vài tòa tháp văn phòng khổng lồ ở các thành phố như Jakarta và Singapore, chỉ dấu đỉnh cao cho danh tiếng quốc tế của ông. Mặc dù Triển lãm của Trung tâm Kiến trúc sẽ tập trung vào ba dự án ở Hồng Kông (chỉ một trong số đó, Trung tâm Bond, cuối cùng đã thành hiện thực), nó chắc chắn sẽ cung cấp một góc nhìn quan trọng về thử nghiệm của Rudolph với các vật liệu mới, hình thức mới và những chiến lược đô thị mới trong khoảng thời gian này.
Đây thực sự là một khoảnh khắc thú vị để xem xét kĩ tài liệu này, không chỉ nhân dịp lễ kỷ niệm mà vì đây là những gì bộ sưu tập các công trình và thiết kế này có thể mang lại minh họa: một nỗ lực táo bạo và thường là cô đơn để tiếp tục dự án kiến trúc Hiện đại. Rudolph luôn duy trì một chủ nghĩa lạc quan về khả năng của công nghệ trong việc cải thiện cuộc sống ở các thành phố. Tình yêu của ông về những sản phẩm tùy biến của xây dựng, những tấm thảm màu da cam và những chiếc ghế ngồi ở bên sảnh, rất nhiều dự án của ông hướng tới việc cải thiện tác động của ô tô lên các đô thị và để ra một kết thúc mở để thích hợp với các thay đổi đô thị ở quy mô lớn trong tương lai. Timothy Rohan, tác giả của một chuyên khảo về Paul, lập luận rằng “bắt đầu vào giữa những năm 1960, Rudolph trở nên rất gắn bó với việc tạo ra những nội thất nhà ở mang tính sáng tạo.” Nhưng, ông tiếp tục, “Tôi nghĩ điều quan trọng là phải xem xét kiến trúc của Rudolph cho lĩnh vực công cộng như thế nào”.
Và mặc dù quan điểm của Rudolph về không gian có khác biệt một chút so với chủ nghĩa công năng nghiêm ngặt mà ông đã tiếp thu như khi là sinh viên của Walter Gropius, ông vẫn thiết kế thông qua phương tiện không gian và khối tích hơn là các mặt phẳng hoặc mặt đứng. Trong một bài luận vào năm 1977 cho tạp chí A+U của Nhật Bản, ông viết, “Sự chuyển động của không gian có một vận tốc, cho dòng chảy không gian theo cách của dòng nước từ một khối tích này sang một khối tích khác.” Thật vậy, nhiều dự án của ông là những sự ngưng tụ, những tiêu điểm tập trung, thu thập tất cả các nguồn năng lượng phong phú của đường phố và tập hợp chúng thành một vòng xoáy liên tục tăng cao của các cấp bậc, hiên nghỉ, thềm và không gian đa tầng.
Tòa nhà Modulightor thể hiện cơn lốc của không gian này. Với một mặt tiền dành cho cửa hàng ở phần tầng dưới thu hút người qua đường, cấu trúc công trình bao gồm một mạng lưới của đố kính và khung – thể hiện sự sáng tạo của Rudolph với thép cũng như bê tông – leo lên và làm biến mất một phần của mặt tiền trên phố trung tâm Manhattan vào một chuỗi các nhánh giao cắt nhau. Nội thất công trình mang cảm giác phi chuẩn tương tự – một sự liên tưởng đến một hang động hoặc một khu rừng, nhưng tất cả bằng ốp Chrome sáng bóng, bằng thủy tinh và các panel kính trắng bóng nhoáng. Căn hộ thông tầng, nằm trên tầng thứ ba và thứ tư, là một cụm các không gian mở, tất cả các phòng đều kết nối hoặc nhìn qua nhau, chỉ được ngăn cách bởi các can hoặc các kệ để ly tách. Cửa hàng bán đồ chiếu sáng cùng tên nằm ở tầng một, đây là một sự hợp tác kinh doanh giữa Paul Rudolph và cộng sự là Ernst Wagner, là một ví dụ sự quan tâm của Rudolph đến công nghệ sản xuất hàng loạt và tiền chế, một đặc điểm trong tư duy thiết kế của ông, được thể hiện trong suốt sự nghiệp của mình.
Hầu hết các dự án của Rudolph ở châu Á, trong khi đó, lại đối nghịch sự quan tâm nhiệt thành của ông về các hệ thống mặt đứng được panel hoá, những đơn vị tiền chế, hoặc các kỹ thuật được phát triển bởi các ngành công nghiệp khác trong việc theo đuổi một thứ kiến trúc hữu dụng cho công cộng. Những khoảng sân trong mở rộng và những hành lang tạo ra những không gian biến đổi dần dần từ thành phố đến văn phòng, trong khi đó các cạnh vát và những cụm của các đơn vị thành phần tạo ra chủ nghĩa năng động bên trong cấu trúc đô thị, có thể thấy qua thiết kế của tòa nhà The Concourse (1987-1989) ở Singapore.
Và trong khi Rudolph chỉ có vài cuộc phỏng vấn và viết cũng khá ít, những phát biểu của ông từ thập niên 70 và 80 cho thấy khát khao theo đuổi chủ nghĩa hiện đại và bảo vệ nó, cũng như di sản của ông, từ những lời phê bình của các kiến trúc sư Hậu hiện đại chiết trung như Robert Venturi và Denise. Scott Brown. Trong cuốn Học tập từ Las Vegas, một trích dẫn nổi tiếng của cặp đôi này là khu căn hộ Crawford Manor của Rudolph như một ví dụ về sự không trung thực trong kiến trúc, cho rằng sự kết hợp mang tính hình thức của công trình không đáng tin cậy và sự trang trí sẽ truyền tải ngữ nghĩa tốt hơn. “Kiến trúc tồn tại khi mà có nhu cầu,” Rudolph nói trong một cuộc phỏng vấn năm 1982, dường như để đáp lại Venturi và Scott Brown. “Chúng ta đã không đáp ứng tốt với những nhu cầu của xã hội bởi vì chúng thực sự rất khó khăn, và vì vậy cả một thế hệ đã ngoảnh mặt đi và có khuynh hướng đối phó bằng những chi tiết mang tính hình thức, thay vì giải quyết với những vấn đề thực sự.
Những công trình này chứng minh rằng Chủ nghĩa hiện đại đã không kết thúc vào năm 1967, 1972, hoặc thậm chí vào năm 1989. Như Rohan đã nói, “Các tác phẩm của ông ta nên được tích hợp tốt hơn vào trong tổng thể của lịch sử kiến trúc hiện đại.” Để phục vụ mục đích này, cuộc triển lãm và lễ kỷ niệm trăm năm chắc chắn sẽ cung cấp lại động lực cho các cuộc thảo luận kiến trúc về giải quyết các vấn đề tồi tệ trong giai đoạn hiện nay của chúng ta, và những nghiên cứu sau này của Rudolph có thể chỉ ra một vài con đường để tiến lên phía trước. “Ông đã xây dựng những công trình mang tính thể chế cho một xã hội dân sự”, Rohan tiếp tục. “Không phải ngẫu nhiên mà ngày nay khi các tòa nhà công cộng của ông đang bị đe dọa phá hủy, thì cùng lúc những tổ chức này cũng đang bị tấn công.”
A.J.P. Artemel là giám đốc truyền thông của Trường kiến trúc Yale và cựu biên tập của tạp chí Perspecta.
- Nguồn Metropolis
- Dịch: Bộ môn Lý thuyết và Lịch sử kiến trúc.